Quảng Nam:

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng "ngón tay"

(Dân trí) - Với những học viên đang được đào tạo nghề tại Hội người Khuyết tật huyện Thăng Bình (Quảng Nam), ông Trương Ngọc Bích như là một người thầy, một người cha kính yêu.

Lớp học làm hoa nói chuyện bằng "ngón tay"

Chúng tôi tìm đến lớp học làm hoa nghệ thuật của Hội người khuyết tật huyện Thăng Bình đúng vào lúc các em đang cặm cụi làm hoa thủ công bằng giấy. Thấy có người lạ vào, các em liền vội vã đứng dậy gật đầu chào.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 1

Với những học viên tại Hội người Khuyết tật huyện Thăng Bình, ông Trương Ngọc Bích là một người "thầy" đáng quý.

Có cô bé giọng ngọng bắt chuyện: "On ào ú!" (Con chào chú!). Một cô bé khác thì nắm chặt lấy tay tôi, tay còn lại khua loạn xạ, môi mấp máy ra vẻ rất hào hứng. Điểm chung của các em là nụ cười trong trẻo, dễ khiến người khác xao lòng.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 2

Người "thầy tay ngang" gần 60 tuổi này vẫn ân cần dành thời gian của mình cho người khuyết tật.

Trước những hình ảnh ấy, người thầy "tay ngang" Trương Ngọc Bích (sinh năm 1964, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thăng Bình) là người trực tiếp theo dõi và quản lý nhóm trẻ khuyết tật này, mỉm cười hài lòng: "Không khí nơi làm việc này ít khi được sôi động và dễ thương như vầy đâu. Các em không nghe, nói được nên mọi hoạt động giao tiếp đều thông qua ký hiệu ngôn ngữ bằng chữ cái ngón tay. Hầu hết các em đều gặp vấn đề về giao tiếp".

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 3

Lớp học làm hoa được mở ra hoàn toàn miễn phí với mục đích để các cháu tiếp cận được nghề.

Nói rồi, thầy Bích vừa cầm tay một em hướng dẫn làm hoa vừa chia sẻ, lớp làm hoa nghệ thuật được hoạt động vào tháng 11/2020, hiện tại đang đào tạo cho 12 em từ 16-25 tuổi, hầu hết là các em có khiếm khuyết.

Ngay những ngày đầu thông báo mở lớp, các thành viên trong hội phải đi khảo sát các hộ có trẻ khuyết tật tại địa phương để vận động các em đi học.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 4

Lớp học đang đào tạo cho 12 em từ 16-25 tuổi, hầu hết là các em có khiếm khuyết.

Nhưng có nhiều gia đình chưa hiểu hết ý nghĩa của việc mở lớp học nên không muốn cho con tham gia vì ngại đường xa. Đặc biệt, có nhiều phụ huynh mãi lo cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày, chưa hề nghĩ đến việc con của mình dù khuyết tật, khó khăn học chữ vẫn có thể học nghề.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 5

Từng nét gấp, từng công đoạn làm hoa luôn ẩn chứa tình yêu của người "thầy" với những học viên đặc biệt.

"Với những hộ gia đình đó, tôi đều trực tiếp đến để thuyết phục đưa các cháu đến lớp học nghề. Lớp học này được mở ra hoàn toàn miễn phí với mục đích để các cháu tiếp cận được môi trường tập thể, vui vẻ và quan trọng hơn các cháu có nghề để tự nuôi sống bản thân, không phụ thuộc vào ai", thầy Bích nói.

Sau khi thuyết phục được các em đến với lớp học, thầy Bích đã mời các giáo viên dạy nghề từ Hà Nội vào để hướng dẫn các em cách làm hoa nghệ thuật.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 6

Thầy Bích chậm rãi hướng dẫn từng thao tác kỹ thuật để các học viên kịp nắm bắt.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Các em là những trẻ có khiếm khuyết nên rất chậm, nhiều em tay run làm không được, có em thì lắc đầu không nhớ, có em 10 ngày không làm hoàn thiện được một nụ hoa.

"Lúc đấy, tôi lại cùng học làm hoa với các cháu và chậm rãi hướng dẫn từng thao tác kỹ thuật để các cháu kịp nắm bắt. Lúc đầu, mỗi cháu chỉ có thể đảm nhận một công đoạn như làm khuôn, kết thành bông, tạo cành, gắn lá... Kiên trì đến nay, cháu nào cũng thành thạo được mọi công đoạn để hoàn thành một cành hoa nghệ thuật", thầy Bích kể.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 7

Nhờ sự khéo tay cùng sự tận tình chỉ bảo của "thầy" Bích, các học viên ngày càng rành nghề.

Nhờ sự khéo tay và tận tâm, tận tình của thầy Bích, sản phẩm các em làm ra ngày càng đẹp mắt và đã được nhiều đơn vị, trường học đặt hàng.

Ngoài ra sản phẩm hoa nghệ thuật cũng được các em bày bán tại các địa điểm trên địa bàn huyện Thăng Bình. Tất cả số tiền bán hoa sẽ được hội trả lương cho các em, trung bình của mỗi em 3 triệu đồng/tháng.

"Tôi không nghĩ mình là thầy giáo"

Sau hơn một năm cống hiến lặng thầm cho lớp học, thầy Bích cũng đã đem lại sự hồi sinh trong tâm hồn cũng như cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh. Càng gắn bó với các em, thầy Bích càng yêu và cố gắng đem kiến thức nghề mình học được truyền đạt lại cho các em hiểu.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 8

Những sản phẩm làm ra rất đẹp mắt và đã được nhiều đơn vị, trường học đặt hàng.

Thầy Bích cho biết, ông gắn bó với Hội người khuyết tật huyện Thăng Bình được gần 9 năm nay và ông hoàn toàn không học chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm về giảng dạy hay truyền nghề cho trẻ khuyết tật đặc biệt.

Nhưng vì cái tâm và tình cảm dành cho những đứa trẻ kém may mắn, nên ông luôn tâm niệm một điều rằng, những người khuyết tật tuy khiếm khuyết nhưng vẫn là những người có ích cho gia đình, xã hội. Mặc dù sức khỏe yếu, chậm hơn người bình thường nhưng họ vẫn có thể làm tốt công việc.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 9

Em Trịnh Văn Hải (18 tuổi) tặng thầy Bích bó hoa do tự tay em làm tại lớp học.

Chia sẻ về cậu bé đang cặm cụi kết từng cánh hoa trong lớp học, ông Bích cho hay, cậu bé tên Hải, năm nay em vừa tròn 18 tuổi. Là con trong gia đình có đến 4 anh, chị em, Hải mắc bệnh hở van tim. 

Căn bệnh quái ác cùng khả năng tiếp thu chậm nên Hải chỉ học đến hết cấp 2 và cũng vừa mới tham gia lớp học được hơn nửa năm nay. Hải luôn có ước mơ là sẽ trở thành một thợ làm điện cơ, nhưng sức khỏe không cho phép nên em đành gác lại ước mơ của mình.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 10

Những sản phẩm của các em làm ra chính là niềm vui, niềm động viên rất lớn với người thầy đặc biệt này.

"Ở đây, các em học nghề làm hoa nghệ thuật, không cần đến sức khỏe quá tốt, song phải kiên trì, tỉ mỉ. Những sản phẩm của các em làm ra chính là niềm vui, niềm động viên rất lớn với chúng tôi", ông Bích nói.

Người thầy tay ngang của những học viên nói chuyện bằng ngón tay - 11

Không cần hoa hay quà, ngày 20/11 của "thầy" Bích là được hạnh phúc bên các học viên của mình.

Nói về người mà mình xem như người thầy, người cha kính yêu, em Trịnh Văn Hải (18 tuổi, trú xã Bình Sa, Thăng Bình, Quảng Nam) rụt rè chia sẻ: "Chú Bích giống như một người thầy của em, em rất kính trọng chú Bích. Em muốn sau này kiếm được nhiều tiền từ nghề đã học để phụ giúp cho bố mẹ và tặng cho chú Bích một bó hoa thật đẹp", nói xong em Hải đưa bó hoa đang làm trên tay tặng thầy Bích trước sự vỗ tay của cả lớp.

Hình ảnh người thầy tay ngang gần 60 tuổi ân cần cầm tay chỉ bảo từng nét gấp, từng công đoạn làm hoa, cũng khiến chúng tôi xúc động và trân trọng khi đứng giữa lớp học ấm áp, đầy tình yêu thương ấy.

Nhưng khi tôi hỏi, ngày lễ 20/11, thầy có mong nhận được món quà nào từ học viên hay không? Ông Bích cười và nói: "Tôi không nghĩ mình là thầy giáo. Điều tôi mong mỏi nhất, cần nhất là các học viên học thành nghề và các em thật sự vui, hạnh phúc với nghề mà các em đang chọn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm