“Người thầy huyền thoại” của Trường Chu Văn An và sự kì lạ gắn liền với số 8

(Dân trí) - Nhiều thế hệ học trò, giáo viên đã rất bất ngờ, đau xót trước sự ra đi đột ngột của thầy Đinh Sĩ Đại - người được nhiều thế hệ học trò coi như một “biểu tượng” trí tuệ và phong cách cho ngôi trường Chu Văn An, Hà Nội. Bất ngờ hơn bởi ít ai biết, cuộc đời vị cựu Hiệu trưởng này có nhiều kỉ niệm gắn liền với con số 8.

“Người thầy huyền thoại”

Vài ngày nay, trong các group giáo chức Chu Văn An, học sinh Chu Văn An và trên các trang mạng xã hội... ngập tràn những status, comment bày tỏ sự bất ngờ đau xót, những lời chia buồn, những hồi ức, kỉ niệm của đồng nghiệp, bạn bè và học trò nhắc về thầy Đinh Sĩ Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường Chu Văn An, Hà Nội.

Những cụm từ ngữ: "người thầy vĩ đại", "người thầy huyền thoại", " biểu tượng Chu Văn An"... bên cạnh những bức ảnh thầy chụp cùng đồng nghiệp và học trò… dưới chân bức tượng danh sư Chu Văn An hay giữa sân trường ngập nắng, là minh chứng cảm động cho tình yêu, sự trân quý mà đồng nghiệp và học trò dành cho thầy.

Được biết thầy giáo Đinh Sĩ Đại sinh ngày 27/8/1948, trong một gia đình gốc Hà Nội gia giáo, nề nếp. Thầy đã sớm chọn con đường trở thành một nhà giáo.

Từ năm 1968 tới 1974, thầy là giáo viên trường Sư phạm cấp II khu tự trị Tây Bắc; từ 1974 tới 1996, thầy là giáo viên và sau đó là Chủ nhiệm khoa GDPT của trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội; là Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội. Cuối năm 1996, thầy nhận nhiệm vụ là Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho tới khi về hưu tháng 8/2008.

Thầy Đinh Sỹ Đại (1948-2017), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Thầy Đinh Sỹ Đại (1948-2017), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Trong khoảng thời gian 12 năm công tác tại trường THPT Chu Văn An, thầy đã cùng với tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường, vượt qua trùng điệp những khó khăn, phức tạp, tạo ra một sắc diện hoàn toàn mới cho ngôi trường Bưởi cổ kính bên bờ hồ Tây.

Thầy Đinh Sĩ Đại cùng các thế hệ học trò trường Bưởi đã tích cực triển khai và thực hiện thành công Dự án xây dựng trường THPT chất lượng cao Chu Văn An- Hà Nội, một hạng mục quan trọng được Thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 89 - TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 17/2/1995 "Về việc xây dựng ba trường PTTH chất lượng cao tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh". Dự án được hoàn thành năm 2005, đóng góp một công trình đặc biệt có ý nghĩa của thủ đô chào mừng Kỷ niệm 995 năm Thăng Long.

Với trí tuệ, nhiệt tình và tấm lòng của mình, thầy đã góp phần đặc biệt quan trọng giúp mở ra một giai đoạn mới cho nhà trường về mọi mặt: xây dựng cơ sở vật chất cho ngôi trường hiện đại, bề thế. Thầy cũng góp phần xây dựng thành công thương hiệu trường THPT chất lượng cao Chu Văn An, tạo dựng gương mặt riêng cho học sinh Chu Văn An, tạo giá trị bảo đảm mang tầm quốc tế cho chữ ký của Thầy giáo - Tiến sĩ Đinh Sĩ Đại trong các văn bản giới thiệu học sinh Chu Văn An ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước Anh, Pháp, Mỹ...

Sự kì lạ gắn liền với con số 8

Với những đóng góp to lớn, thầy Đinh Sĩ Đại đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì vào ngày 13/12/1985; Huy chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp do chính Đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean - Francois Blarel thay mặt Chính phủ Pháp trao tặng ngày 10/12/2004; danh hiệu Chiến sĩ thi đua liên tục trong các năm học...

Đó là những phần thưởng cao quí cho công lao, trí tuệ và nhiệt tình không bao giờ mệt mỏi của thầy giáo Đinh Sĩ Đại đối với sự nghiệp giáo dục.


Thầy Đinh Sĩ Đại trong ngày 20/11 của Trường THPT Chu Văn An. (Ảnh: Nguyễn Hà)

Thầy Đinh Sĩ Đại trong ngày 20/11 của Trường THPT Chu Văn An. (Ảnh: Nguyễn Hà)

Nhưng hình như, những phần thưởng cụ thể ấy vẫn chỉ là hữu hình, hữu hạn bởi nhiều thế hệ giáo viên và học trò đều hiểu, tấm lòng nhân hậu của thầy cùng với nhiều phẩm chất đã tạo ra "phong cách Đinh Sĩ Đại".

Chính vì thế, thầy luôn được đón nhận vô vàn những tấm huy chương vô hình, xúc động - đó là tình yêu, là sự kính trọng, và bây giờ là nỗi đau xót tiếc thương vô bờ bến.

Có một điều rất kì lạ ít ai để ý đến, đó là cuộc đời thầy luôn gắn với con số 8. Thầy sinh năm 1948, thời gian thành công nhất trong chặng cuối con đường sự nghiệp của thày là 12 năm làm Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, ngôi trường ra đời năm 1908.

Tấm Huy chương cao quí thầy được nhận từ Chính phủ Pháp cũng do Napoleon sáng lập năm 1808 dành tặng những nhân vật có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.

Những sự kiện khiến thầy hạnh phúc nhất là tổ chức thành công Lễ hội 90 năm, 100 năm trường Bưởi Chu Văn An các năm 1998, năm 2008.

Những ngày đầu tiên của năm 2018, nhiều thế hệ giáo viên, học trò và người thân lại đau xót tiễn biệt thầy rời cõi tạm...

Con số 8 thường gợi những thành công, viên mãn, và quả thật, với nhân cách, tấm lòng và trí tuệ của mình, cuộc đời thầy đã thực sự viên mãn, thành công, cả trong gia đình và sự nghiệp...

Với sự ra đi quá đột ngột của thầy, con số 8 ấy cũng sẽ khiến chúng ta buồn thương khi ngày 27/8/2018 năm nay, ngôi nhà thầy đã gắn bó suốt cả cuộc đời sẽ thiếu vắng tiếng nói, nụ cười của người chồng, người cha, người ông hiền hậu, vui vẻ, ly rượu mừng sinh nhật lần thứ 70 của thầy sẽ chỉ âm thầm đặt bên di ảnh.

Và Lễ hội 110 năm của trường cuối năm nay, năm 2018, đồng nghiệp và bao lớp học trò sẽ không còn niềm vui được háo hức, chen chúc ùa ra tận cổng để đón chào sự trở về của thầy như những lần trước. Âu đó cũng là sự hẫng hụt khó tránh của lẽ tử sinh khiến nhiều thế hệ giáo viên, học trò và người thân, nhận rõ hơn khoảng trống do sự ra đi của một con người đáng kính trọng.

TS Trịnh Thu Tuyết

(Nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục