Người thầy hạnh phúc vì đi học lại ở tuổi 60 để được làm nhà giáo

Bích Ngọc

(Dân trí) - Thầy giáo người Anh Stuart Fuller đã có nhiều thập kỷ làm chuyên viên thiết kế đồ họa. Ở tuổi 60, ông quyết định quay lại trường học để có chứng chỉ cần thiết và trở thành một giáo viên.

Bị sa thải ở tuổi 60 và quyết định bước ngoặt

Đối với ông Stuart Fuller (64 tuổi), nghề giáo dù không đưa lại thu nhập cao như công việc thiết kế đồ họa, nhưng công việc giảng dạy đem lại cho ông cảm nhận ý nghĩa hơn về cuộc sống.

Năm 1983, ông Fuller tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa và làm công việc theo đúng chuyên ngành được học trong suốt gần 4 thập kỷ.

Người thầy hạnh phúc vì đi học lại ở tuổi 60 để được làm nhà giáo - 1

Ông Stuart Fuller đã có gần 4 thập kỷ làm chuyên viên thiết kế đồ họa (Ảnh: BI).

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành quảng cáo bị tác động mạnh. Lượng khách hàng có nhu cầu thiết kế đồ họa phục vụ quảng cáo sụt giảm hẳn. Công ty mà ông Fuller gắn bó hơn 20 năm cũng rơi vào khó khăn và buộc phải cắt giảm nhân sự.

Tháng 12/2020, ông Fuller nằm trong nhóm nhân sự bị cắt giảm. Thoạt tiên, ông nghĩ sự việc này xảy ra khi ông đã ở tuổi 60, vậy ông có thể bước vào giai đoạn nghỉ hưu từ đây. Dù vậy, trạng thái không làm việc, khi bản thân vẫn còn khả năng lao động, khiến ông cảm thấy chán nản.

Chia sẻ câu chuyện này với anh trai, ông Fuller đã tìm ra hướng đi mới cho bản thân. Anh trai của ông Fuller vốn là một quân nhân thuộc Không quân Hoàng gia Anh.

Khi bước vào tuổi nghỉ hưu, anh trai ông Fuller chuyển sang làm giáo viên dạy toán và điện tử học. Chính anh trai đã gợi ý cho ông Fuller hãy đi học trở lại, để có thể trở thành một giáo viên.

Ông Fuller liên hệ với tổ chức từ thiện Now Teach, đơn vị này chuyên giúp những người đã có bằng cử nhân theo đuổi nghề giáo. Họ giúp kết nối người học với các chương trình đào tạo phù hợp, để có chứng chỉ sau đại học về giáo dục (PGCE).

Ông Fuller nhanh chóng tìm được khóa học phù hợp để ông có thể trở thành giáo viên dạy thiết kế đồ họa. Ở tuổi 60, ông được học về nghiệp vụ sư phạm, được tư vấn để có những sự điều chỉnh phù hợp nhằm thích ứng với môi trường sư phạm.

Ông Fuller được tham gia những buổi học cùng với các sinh viên chuyên ngành sư phạm, được trải nghiệm việc đứng trên bục giảng trước sự quan sát, đánh giá chuyên nghiệp của những giảng viên chuyên ngành sư phạm. Năm 2022, ông hoàn tất việc học và có chứng chỉ sau đại học về giáo dục (PGCE).

Làm giáo viên là phần thưởng ý nghĩa trong đời

Ông Fuller nhanh chóng tìm được công việc tại một trường trung học nằm trong thành phố London. Ngôi trường này định hướng đào tạo học sinh trung học theo hướng dự bị đại học, để học sinh có những kỹ năng cơ bản ban đầu về thiết kế và kỹ thuật.

Ông Fuller đảm nhiệm việc giảng dạy thiết kế đồ họa cho các học sinh ở độ tuổi từ 13 tới 18, bao gồm kỹ năng thiết kế trò chơi điện tử, video, phim ảnh...

Người thầy hạnh phúc vì đi học lại ở tuổi 60 để được làm nhà giáo - 2

Việc đi học trở lại ở tuổi 60 để trở thành nhà giáo đã đưa lại động lực mới, giúp ông Fuller thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa (Ảnh minh họa: Freepik).

Khi mới quyết định theo đuổi nghề giáo, ông Fuller không đặt ra kỳ vọng nào. Trước đây, chưa bao giờ ông nghĩ một ngày nào đó, mình lại có thể trở thành giáo viên. Hiện tại, sau 2 năm gắn bó với nghề giáo, ông cảm thấy đây chính là hướng đi phù hợp và ý nghĩa nhất đối với mình trong giai đoạn mới của cuộc sống.

Về mặt tài chính, công việc giảng dạy hiện đưa lại cho ông thu nhập bằng một nửa thu nhập của nghề thiết kế đồ họa, nhưng sau 4 thập kỷ làm việc, ông đã đạt được tự do tài chính. Khi chuyển hướng sang làm giáo viên, ông Fuller không bị áp lực tài chính và không bao giờ coi tiền bạc là động lực trong công việc giảng dạy.

Ngược lại, ông nhận thấy công việc giảng dạy đã trở thành động lực mới để ông sống vui vẻ, ý nghĩa hơn trong những năm tháng tuổi già. Đối với ông Fuller, công việc giảng dạy chính là phần thưởng tinh thần đầy ý nghĩa dành cho ông trong cuộc sống hiện tại.

Ông Fuller hạnh phúc vì có cơ hội được truyền dạy kiến thức và kinh nghiệm cho những thiếu niên ham học hỏi. Học trò hào hứng với những gì ông đưa lại trong mỗi giờ học, họ phát triển thành những ý tưởng sáng tạo nằm ngoài kỳ vọng của ông.

Với nghề giáo, ông cảm nhận được ý nghĩa nhân văn trong công việc mình làm. Mỗi ngày tới trường, ông đều cảm thấy hạnh phúc bởi biết rằng những kiến thức mình truyền dạy sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt trong tương lai của các học trò.

Theo Business Insider