Nhà trường gặp rắc rối vì tìm hiểu điều kiện kinh tế của gia đình học sinh
(Dân trí) - Bảng khảo sát điều kiện kinh tế đối với gia đình các học sinh tại một trường trung học đang gây tranh cãi dữ dội trong dư luận Trung Quốc.
Một nhóm giáo viên thực tập tại trường trung học Longming nằm ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã thực hiện bảng khảo sát gửi tới các học sinh, nhằm đánh giá điều kiện kinh tế của gia đình các em.
Hình ảnh về nội dung bảng khảo sát đã xuất hiện trên mạng xã hội gây nên tranh cãi dữ dội trong dư luận xứ tỷ dân. Bảng khảo sát có câu hỏi đề nghị học sinh tự đánh giá điều kiện kinh tế, vị thế xã hội của gia đình mình.
Câu trả lời cho câu hỏi này được minh họa bằng hình ảnh một chiếc thang có các nấc thang từ 1 đến 10. Trong đó, nấc thang thứ nhất tương ứng với việc phụ huynh học vấn thấp, công việc có thu nhập ít ỏi. Nấc thang số 10 tương ứng với việc phụ huynh học vấn cao, có công việc thu nhập cao.
Ngay khi hình ảnh về bảng khảo sát lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến tranh cãi đã nổ ra. Nhiều người cho rằng nhà trường và giáo viên không nên tìm hiểu điều kiện kinh tế của gia đình học sinh theo cách như thế này. Nếu cần thông tin để biết các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ kịp thời, nhà trường và giáo viên cần tiến hành theo cách khéo léo, tâm lý hơn.
Ngay sau khi sự việc gây xôn xao dư luận, Phòng Giáo dục quận Mẫn Hàng - cơ quan phụ trách quản lý trường trung học Longming - đã ra thông báo giải thích về sự việc. Theo đó, bảng khảo sát được đưa ra bởi một nhóm giáo viên thực tập tại trường. Nhóm giáo viên thực tập này vẫn đang theo học tại trường sư phạm và đang trong kỳ thực tập tại trường trung học Longming.
Nhóm giáo viên thực tập đã phát bảng khảo sát tới các học sinh mà không hỏi ý kiến của nhà trường. Nhóm giáo viên thực tập này phụ trách các môn khoa học xã hội, họ phát bảng khảo sát nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu ở trường đại học.
Về sự việc này, Phòng Giáo dục quận Mẫn Hàng yêu cầu ban giám hiệu trường Longming kiểm điểm lại quy trình quản lý giáo viên thực tập, sau đó, ra quyết định khiển trách nhóm giáo viên thực tập. Sau cùng, nhà trường phải sắp xếp gặp gỡ, giải thích và xin lỗi các em học sinh cũng như các phụ huynh vì sự việc này.
Dù vậy, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ rằng việc tìm hiểu về học vấn, công việc và tình trạng hôn nhân của phụ huynh không phải là điều hiếm gặp ở các trường học. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tìm hiểu này là cần thiết, để các giáo viên có sự thấu hiểu và quan tâm phù hợp dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Thông qua khảo sát, có những em học sinh sẽ được miễn giảm học phí, được nhận các gói hỗ trợ của nhà trường và nhà chức trách địa phương. Đối với những em có cha mẹ ly hôn, thầy cô cũng nắm được, để có sự quan tâm sâu sát hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với phụ huynh đang trực tiếp nuôi dưỡng.
Dù vậy, cũng có những phụ huynh cho rằng học sinh có quyền được giữ kín thông tin về gia đình. Nhà trường nên là nơi để tất cả các học sinh có thể học tập và trải nghiệm một cách bình đẳng, bất kể xuất thân của học sinh đó như thế nào.