Người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực

Nhìn những bước chân lên cầu thang gọn gàng, vững chắc, nếu không có chiếc gậy dẫn đường, ít ai biết được đây là bước chân của người khiếm thị.

Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nhiều năm qua đã cố gắng vươn lên sống có ích cho xã hội. Năm 2013, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang".

Chị Hà làm việc tại văn phòng Hội người mù quận Đống Đa.
Chị Hà làm việc tại văn phòng Hội người mù quận Đống Đa.

Nhìn những bước chân lên cầu thang gọn gàng, vững chắc, nếu không có chiếc gậy dẫn đường, ít ai biết được đây là bước chân của người khiếm thị. Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa đang đến với lớp học Tiếng Anh dành cho người khiếm thị. Đây là lớp học dành cho chị đứng ra tổ chức và mời các thầy cô giáo đến dạy. Hiện có hàng chục người khuyết tật, khiếm thị của quận Đống Đa có cơ hội học tập ngoại ngữ thường xuyên, qua đó tăng cường cơ hội hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thúy, học viên của lớp học cho biết: “Tôi rất vui là đã được tham gia lớp học tiếng Anh của hội người mù Đống đa tổ chức từ những ngày đầu. Trong quá trình học tôi có thể tiếp thu nhiều kiến thức về tiếng Anh. Có thể giao tiếp bằng những câu đơn giản, những chủ đề đơn gian với người nước ngoài. Hoặc có thể phục vụ trong một số lĩnh vực công việc”.

Trong căn phòng nhỏ của Hội người mù quận Đống Đa, chị Hà bồi hồi nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhất trong cuộc đời chị. Sinh năm 1981, và từng ấy năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, ngay từ nhỏ, chị Đỗ Thuý Hà đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa khác. Năm lên 6 tuổi, bước vào lớp một cũng là lúc chị bị mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc. Năm chị lên 9 tuổi, bố mẹ quyết định cho chị vào học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Làm quen với Tiếng Anh từ Trung học cơ sở, tuy nhiên lên Trung học phổ thông, môn học này lại là thách thức rất lớn đối với Đỗ Thuý Hà. Thiếu tài liệu, sách giáo khoa Tiếng Anh, nhà trường phải in sách chữ nổi để dạy từng bài, từng tiết học cho các học sinh khiếm thị. Để nhận mặt chữ, chị đã phải hết sức cố gắng. Nhưng nhờ có sự tận tình của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp và cả những lời động viên, lòng yêu thương của người thân, kết thúc bậc học THPT với 3 năm liền chị Hà là học sinh giỏi. Năm học 1999-2000 chị đạt giải Ba Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức. Năm 2005, khi nhập học tại Viện Đại học mở Hà Nội, chị đã thi và trở thành 1 trong 7 người dành được học bổng của Nhật Bản đào tạo về “kĩ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương”.

Nhận xét về Đỗ Thị Thúy Hà, Thạc sĩ Ngô Xuân Hiếu, giảng viên Viện Đại học mở Hà Nội cho biết: “Người bình thường học Tiếng Anh đã khó, đối với người khiếm thị, lại càng khó khăn gấp trăm nghìn lần. Vậy mà chị ấy đã làm được. Sự nỗ lực phi thường của chị Hà và tất cả những gì chị ấy đạt được trong học tập, cũng như trong cuộc sống, công tác, chính là tấm gương sáng để cho các em sinh viên học tập và noi theo…”.

Với cương vị là Chủ tịch Hội người Mù quận Đống Đa chị đã tổ chức nhiều lớp dạy chữ nổi, dạy vi tính, dạy nghề, thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ với nhiều nội dung phong phú, những buổi giao lưu, văn hóa văn nghệ sôi nổi cho gần 200 hội viên. Đặc biệt chị còn phối hợp với tổ chức Min sô cu Pho rum của Nhật Bản tổ chức lớp xoa bóp, bấm huyệt cho 20 học viên, giúp họ học nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm. Đồng thời liên hệ với các tổ chức xã hội vận động, trang bị, mở phòng xoa bóp, bấm huyệt, tạo việc làm cho 5 nhân viên khiếm thị, giúp họ tự kiếm sống, tự tin sống và hòa nhập cộng đồng.

Chị Hà tâm sự: “Tôi luôn luôn tự hào là một người dân Việt Nam và tự hào là một người con của Hà Nội. Tôi muốn thể hiện sự tự hào đó là khi mình là người khuyết tật mình cố gắng hòa nhập cộng đồng. Thứ hai là đem là khả năng, cơ hội của mình có được để mình giúp người đồng tật như mình. Để cho những người may mắn hơn mình thấy rằng, khi mình khiếm thị mình vẫn có thể giúp đỡ người khác kém may mắn hơn. Qua đó, để những người sáng mắt, may mắn hơn tiếp tục giúp đỡ mọi người nhiều hơn”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và những đóng góp đầy ý nghĩa cho xã hội, năm 2016, chị Đỗ Thúy Hà là một trong 9 cá nhân được xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Theo Nguyễn Hiền

VOV