Người mẹ lo lắng con gái có 2 màu mắt sẽ bị kỳ thị ở trường học và cái kết
(Dân trí) - Bé gái có biệt danh CC sống tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bị mắc chứng loạn sắc tố mống mắt, khiến cô bé có hai màu mắt khác nhau. Khi CC tới tuổi đi học, mẹ cô bé rất lo lắng vì sợ con bị kỳ thị.
Dù vậy, điều bất ngờ là khi đi học, CC rất được bạn bè yêu mến, nhiều bạn bè cảm thấy thích thú với đôi mắt có hai màu khác biệt của CC. Từ lúc CC mới sinh ra, mẹ của em đã nhận ra con gái có hai màu mắt khác biệt. Mắt bên phải của CC có màu xám xanh, mắt trái của cô bé có màu đen.
CC bắt đầu học tiểu học từ tháng 9/2024, trước sự đón nhận của bạn bè ở trường, mẹ cô bé rất hạnh phúc và nỗi lo về con mình có thể bị bạn bè xa lánh hay tệ hơn là kỳ thị, bắt nạt đã hoàn toàn được xóa bỏ ở người mẹ.
"Nhiều thầy cô và bạn bè khen đôi mắt của con gái tôi rất đẹp. Con gái tôi thậm chí trở thành học sinh được các bạn yêu thích ở trường. Những bạn học ở lớp khác cũng muốn làm quen với con tôi", mẹ của CC cho hay.
Từng lo lắng về đôi mắt có hai màu của con, mẹ của CC đã đưa con đi khám mắt nhiều lần. Các bác sĩ đều khẳng định hội chứng loạn sắc tố mống mắt không ảnh hưởng tới thị lực của CC. Đây là một hội chứng rất hiếm gặp. Tỷ lệ người mắc hội chứng này chỉ vào khoảng 0,063% dân số toàn cầu.
Trước sự quan tâm của cộng đồng mạng dành cho mình, CC chia sẻ ngắn gọn: "Cháu thích màu mắt của mình, cháu nghĩ đôi mắt của cháu khá đẹp. Cháu cảm ơn vì mọi người đã quan tâm tới câu chuyện của cháu".
Cách dạy trẻ đón nhận sự khác biệt của những người xung quanh
Trẻ nhỏ có sự tò mò, hiếu kỳ rất tự nhiên đối với những sự khác biệt mà trẻ chưa hiểu được. Khi ấy, trẻ thường đặt ra nhiều câu hỏi về những sự khác biệt mà trẻ bắt gặp ở ngoại hình, giọng nói, năng lực, giới tính... của người khác. Đây là điều rất tự nhiên ở trẻ, tuy vậy, đôi khi trẻ có thể đặt ra những câu hỏi gây ái ngại.
Cha mẹ nên dạy con về cách thức, không gian, thời điểm đặt câu hỏi để tránh gây nên sự khó chịu, ngại ngùng cho người khác. Cha mẹ cũng cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi trẻ đặt ra, dù những câu hỏi ấy có thể không dễ trả lời.
Việc trả lời một cách nghiêm túc, đưa lại kiến thức phù hợp với độ tuổi của trẻ là bước đầu tiên để giúp trẻ đón nhận những sự khác biệt bắt gặp ở người khác.
Kiến thức là chìa khóa để có thể dễ dàng chấp nhận: Mỗi khi trẻ nhận ra sự khác biệt lạ lẫm ở những người xung quanh, đó đều là cơ hội để cha mẹ có thể dạy trẻ những kiến thức mới. Cha mẹ hãy tôn trọng những câu hỏi của trẻ về sự khác biệt, bởi trẻ có thể học được nhiều kiến thức từ những sự quan sát này.
Đừng né tránh những cuộc đối thoại khó khăn: Khi trẻ nhìn thấy sự khác biệt, điều rất tự nhiên là trẻ sẽ đặt câu hỏi. Cha mẹ không nên "dập tắt" câu hỏi của trẻ, hãy trả lời con một cách chính xác. Điều này sẽ giúp cha mẹ và con có những cuộc chuyện trò cởi mở, hữu ích. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, cha mẹ hãy cùng con tìm kiếm thông tin để gia tăng kiến thức.
Dạy con về sự cảm thông: Để giúp trẻ học cách cảm thông với người khác, cha mẹ hãy đặt câu hỏi: "Nếu con giống như bạn, con mong được mọi người đối xử như thế nào?".
Cha mẹ hãy làm gương: Trẻ nhỏ luôn lắng nghe, quan sát cách cha mẹ nói và làm. Vì vậy, cha mẹ hãy cẩn trọng với những ngôn từ và cách hành xử của mình với người khác.
Nếu con nói ra điều gì không hay, cha mẹ hãy bình tĩnh sửa lại cho con, hãy giúp con hiểu rằng ngôn từ của con có thể gây tổn thương cho người khác.
Việc cha mẹ luôn cẩn trọng với ngôn từ của bản thân, thể hiện cách nhìn nhận cởi mở, đón nhận sự khác biệt của người khác sẽ có tính giáo dục rất tốt đối với con.