Người học có nhiều lựa chọn nơi học, trường ĐH gánh áp lực cạnh tranh
(Dân trí) - Hôm nay 7/5, đại diện gần 90 trường ĐH tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 13 hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức ĐH Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại TP.HCM. Các chuyên gia trao đổi về thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH.
Đây là lần đầu tiên trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) trở thành địa điểm tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức ĐH Pháp ngữ. Hội nghị này thu hút gần 100 đại diện của 88 trường ĐH, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu đến từ 11 quốc gia tham dự với chủ đề “Đối thoại ĐH-doanh nghiệp: thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH”.
Dịp này, các đại biểu đã thảo luận các nội dung về chính sách giáo dục và khoa học, những thách thức mà các trường ĐH đang phải đối mặt về chất lượng chương trình đào tạo, cơ hội tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cũng như trách nhiệm xã hội của các trường.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế -luật, Chủ tịch phiên họp toàn thể này, cho rằng ngày nay thế giới đang mở ra những cơ hội kèm theo nhiều thách thức với các trường ĐH. Các trường ĐH chịu áp lực cạnh tranh càng lúc càng quyết liệt, do người học có những điều kiện thuận lợi hơn trước để lựa chọn nơi học, đặc biệt nhờ sử dụng các phương tiện là kết quả của việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phát biểu trong vai trò Chủ tịch phiên họp toàn thể tại hội nghị
Theo ông Điện, để giải toả áp lực cạnh tranh, ĐH phải tiến hành một loạt các biện pháp, đáng chú lý nhất là cải thiện chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng nghiên cứu. Việc cải thiện đó chỉ được thực hiện một cách có hiệu quả một khi bản thân ĐH tự hoàn thiện được chính mình thông qua việc đổi mới với hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Cũng phát biểu tại hội nghi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nói, chủ đề hội nghị lần này là minh họa rõ nét về một trong những thách thức đang đặt ra với giáo dục ĐH. Đó cũng chính là mối quan tâm sâu sắc của các trường ĐH Việt Nam cũng như là vấn đề của tất cả các trường ĐH nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bộ GD-ĐT tiếp tục thúc đẩy đổi mới giáo dục ĐH
Ông Phúc nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, làm thế nào để chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, để các hoạt động nghiên cứu có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển xã hội. Điều này còn được thể hiện ở việc coi trường ĐH không những là một đơn vị tự chủ mà còn phải gánh vác trách nhiệm đối với những thách thức mà xã hội và cộng đồng đang phải đương đầu.
Theo ông Phúc, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ĐH thông qua việc tạo điều kiện cho các trường được tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp lời Thứ trưởng Phúc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định một trong những trọng tâm mà ĐH này đang hướng tới là thúc đẩy quá trình tự chủ của từng đơn vị thành viên nhằm tăng cường trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Lê Phương