Người có điểm IELTS 9.0: Chứng chỉ này đang bị "thần thánh hóa"

Mai Châm

(Dân trí) - "Việc xã hội "thần thánh hóa" chứng chỉ này khiến cho nhiều hiện trạng tiêu cực xảy ra. Giá các khóa học IELTS trở nên đắt đỏ, có những "thầy cô giáo" luyện thi sẵn sàng giả điểm để tạo tiếng tăm..."

Đạt được điểm tuyệt đối 9.0 IELTS có khó không?

Người có điểm IELTS 9.0: Chứng chỉ này đang bị thần thánh hóa - 1

Trịnh Lê Minh có điểm tuyệt đối kỹ năng IELTS Nghe và Đọc 9.0 (Ảnh: NVCC)

Nam sinh Trịnh Lê Minh, học sinh trường THPT Yên Hòa là người đạt điểm IELTS 8.5 (điểm kỹ năng thành phần lần lượt là: Nghe 9.0, Đọc 9.0, Nói 8.0 và Viết 7.0). Lê Minh cho biết: "Từ khi còn nhỏ, mình đã được gia đình cho học thêm tiếng Anh, cộng với niềm yêu thích với bộ môn này đã giúp mình có xuất phát điểm 7.0-7.5 khi bắt đầu thi thử IELTS".

Mục tiêu của nam sinh này là sở hữu số điểm tối đa 9.0 của bài thi IELTS. "Mình có dự định sẽ thi lại để đạt điểm IELTS 9.0, nhưng mình vẫn đang đặt mục tiêu trước mắt là thi tốt nghiệp.

Bởi vì mình thấy điểm tuyệt đối của bất cứ thứ gì cũng là điều đáng để phấn đấu, không riêng gì IELTS. Mặc dù mục tiêu này theo mình là khả thi, nhưng sẽ rất khó để đạt được ở cả 4 kỹ năng".

Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Thu (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM) đạt điểm IELTS 8.5 (điểm thành phần là Nghe 9.0, Đọc 9.0, Nói 7.5, Viết 7.5).

Chỉ còn cách điểm tuyệt đối 0.5 điểm, nhưng Mỹ Thu hiểu rằng vô cùng khó để lấy được thêm 0.5 điểm này. Cô nói: "Bản thân mình cũng muốn đạt điểm tuyệt đối vì như vậy sẽ rất "ngầu". Tuy nhiên, mình không đặt nặng vấn đề này. Vì chuyên ngành của mình là về kỹ thuật nên mình thường cần dành nhiều thời gian cho chuyên môn nhiều hơn.

Thường thì mình chỉ luyện tập tiếng Anh bằng cách nói chuyện với bạn chứ không "cày" để cố gắng nâng điểm thành 9.0. Tuy nhiên, mình nghĩ điểm của mình vẫn còn xa với mức 9.0 nên mình đánh giá để đạt được mức điểm này là khá khó".

Người có điểm IELTS 9.0: Chứng chỉ này đang bị thần thánh hóa - 2

Trần Thiên Hà Mi có điểm kỹ năng Nghe IELTS đạt 9.0. (Ảnh NVCC)

Nữ sinh Trần Thiên Hà Mi (Học viện Báo chí & tuyên tuyền) đạt điểm IELTS 8.0; điểm thành phần là: Nghe 9.0, Đọc 8.5, Viết 7 và Nói 7.5.

Hà Mi thẳng thắn cho hay cô không có nhu cầu đạt tất cả mọi điểm thành phần của chứng chỉ IELTS đều được 9.0 vì điểm số hiện nay đã đủ với nhu cầu để cô học lên cao. "Học nữa và thi lại với mình là lãng phí tiền và không cần thiết", Mi nói.

Theo Hà Mi, việc đạt 9.0 IELTS là có thể. Cô phân tích: "Mình đã từng thi nhiều chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL iBT, SAT và IELTS). Mình thấy tất cả đều có những mô túyp đặc trưng.

Ở IELTS thì có thể khó hơn nhưng ở những chứng chỉ như SAT và TOEFL iBT, mình đã biết có những người đạt điểm tối đa. Dù đề có khác muôn hình vạn trạng nhưng nếu mình nắm được cốt lõi, những dạng câu hỏi được ra hoặc hiểu tiêu chí cho điểm thì sẽ biết cách để đạt được điểm tối đa. Vì thế thì mới có những câu chuyện ôn luyện cấp tốc mà vẫn đạt điểm cao.

Những trường hợp ôn thi cấp tốc như thế, nếu như không có nền tảng tốt mà vẫn đạt mức điểm cao thì thường là những người học các mẫu bài viết hoặc mẫu câu trả lời để đối phó (dạng như học mẹo) chứ chưa chắc đã là năng lực thực sự".

Chứng chỉ IELTS đang được "thần thánh hóa"?

Nam sinh Trịnh Lê Minh có quan điểm: "Việc chứng chỉ IELTS được đề cao là lẽ thường, vì tiếng Anh là một ngôn ngữ khá phổ biến và việc sử dụng được tiếng Anh thành thạo sẽ mở ra được rất nhiều các cơ hội việc làm".

Lê Minh cho rằng, chứng chỉ IELTS là minh chứng cho khả năng sử dụng tiếng Anh của một người. Chứng chỉ  IELTS có giá trị ở chỗ: nhiều trường đại học ở Việt Nam xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS và điểm thi tốt nghiệp, hoặc chứng chỉ IELTS và điểm học bạ, nên điểm IELTS càng cao thì càng nhiều giá trị.

"Mình nghĩ rằng chứng chỉ IELTS có giá trị lớn, nhưng một số người đang hơi quá coi trọng nó", Minh kết luận.

Nữ sinh Hà Mi cho rằng, việc chứng chỉ IELTS đang được đề cao trong xã hội là do nhu cầu học tiếng Anh của người học càng tăng và có nhiều việc cần đến chứng chỉ này (xét tuyển đại học, xin việc, ra trường…).

Nữ sinh này nêu ý kiến: "Bản thân chứng chỉ IELTS vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của nó là đánh giá khả năng tiếng Anh của một người, nhưng chính việc xã hội "thần thánh hóa" chứng chỉ này khiến cho nhiều hiện trạng tiêu cực xảy ra.

Giá các khóa học IELTS trở nên đắt đỏ, có những "thầy cô giáo" luyện thi sẵn sàng giả điểm để tạo tiếng tăm, cạnh tranh với nhau, thu hút học sinh về học, nhiều người thì học gấp rút để lấy điểm chứ bản chất lại đang không tích lũy được kiến thức thực sự...

Chứng chỉ IELTS chỉ đánh giá khả năng tiếng Anh của một người và cũng không phải là chứng chỉ duy nhất làm được điều đó".

Người có điểm IELTS 9.0: Chứng chỉ này đang bị thần thánh hóa - 3

Nguyễn Thị Mỹ Thu có điểm kỹ năng IELTS Nghe và Đọc đạt 9.0 (Ảnh: NVCC)

Mỹ Thu nêu quan điểm: "Nên đề cao kiến thức thực chứ không nên đề cao điểm số.

Vì mặc dù mình đạt 8.5 nhưng mình không nghĩ tiếng Anh của mình hoàn hảo và vẫn cần cải thiện mỗi ngày. Và IELTS là một kỳ thi cho nên cũng khó để khách quan toàn diện.

Do đó, khi lựa chọn giáo viên dạy IELTS, không nên chọn ai đó chỉ vì họ có điểm số cao, người học nên cân nhắc thêm các yếu tố khác như khả năng sư phạm nữa".

Thí sinh cho rằng IELTS có thể bị làm giả

Theo Hà Mi cho biết, mỗi người tham gia thi chứng chỉ IELTS sẽ đăng ký một tài khoản để tra cứu điểm. "Mình chỉ được phép dùng tài khoản của mình để tra điểm chủ chính mình, không thể tra cứu điểm IELTS của người khác", Hà Mi cho hay.

Nữ sinh Hà Mi nhận định: "Chứng chỉ IELTS có thể bị làm giả, nhất là khi đa phần mọi người chỉ đang thấy nó qua mạng xã hội ở hình thức ảnh chụp. Một số người có thể dễ dàng photoshop, chỉnh sửa ảnh để nâng cao điểm của bản thân với những mục đích không trong sáng. Đối với chứng chỉ giấy, nếu không đủ hiểu biết về các mã số trên chứng chỉ thì cũng không thể nhận biết được chứng chỉ là thật hay giả".

Còn theo Lê Minh, việc làm giả bằng IELTS sẽ có thể bị phát hiện bởi các cơ quan, tổ chức uy tín. "Trường hợp làm giả chứng chỉ có điểm 9.0, mình cho rằng không được thông minh cho lắm vì nước ta đâu có nhiều người được điểm tuyệt đối, người ta sẽ dễ dàng điều tra nếu muốn", Minh nói.

Minh chia sẻ về cách kiểm tra thông tin: "Khi mình đăng ký dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển, mình phải cung cấp mã số trùng khớp với mã trên chứng chỉ. Mình đoán là nhà trường, đơn vị tuyển dụng sẽ nhập mã số này vào cơ sở dữ liệu để tra xem có đúng thật hay không. Nếu là chứng chỉ giả thì mã số trên bằng sẽ không hiện trong cơ sở dữ liệu nên sẽ bị phát hiện ngay".