Thí sinh chật vật ôn thi IELTS, ròng rã thức khuya tới 2 giờ sáng

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - "Hai tháng ròng rã thức khuya đến hơn 2 giờ sáng ôn thi IELTS, ngủ thiếp đi vì mệt mỏi, không chỉ làm mình nổi nhiều mụn hơn, tự ti hơn mà còn khiến mình luôn thiếu năng lượng", Ngọc Minh chia sẻ.

Chứng chỉ IELTS được coi như một trong những "tấm vé vàng" vừa giúp các thí sinh đặt chân vào cánh cửa đại học, cũng như một trong những điều kiện để được tuyển dụng vào những vị trí việc làm chất lượng. Tuy nhiên, để có được "tấm vé ấy" thì các thí sinh đã trải qua những khó khăn gì?

IELTS và những chướng ngại vật to lớn

IELTS (International English Language Testing Sytem) là một trong những kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh, cấp chứng chỉ uy tín nhất trên thế giới. Vì là chứng chỉ có giá trị toàn cầu nên chi phí ôn luyện và dự thi không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngoài những áp lực về điểm số và chi phí, còn rất nhiều những áp lực khác mà các thí sinh trải qua khi cố gắng "cày IELTS".

Nội dung thi IELTS có rất nhiều điểm khác biệt và nâng cao hơn kiến thức phổ thông nên bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người có nền tảng tiếng Anh tốt nhưng vẫn gặp khó khăn khi làm quen và "chinh phục" kỳ thi này.

Ngọc Ánh (6.0 IELTS, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Vì là người mới tiếp cận IELTS nên mình có rất nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là kỹ năng viết, vốn từ của mình không đủ nhiều để hành văn mượt mà.

Lúc đó mình gần như bỏ học tất cả các môn trên lớp để tập trung ôn IELTS với mong muốn có thêm một lựa chọn cho con đường vào đại học. Mọi người hay nghĩ tiếng Anh cơ bản của trên lớp ổn thì học IELTS sẽ rất dễ, nhưng thật sự là có quá nhiều kiến thức mới và nó khác hoàn toàn so với những gì mình học ở trường".

Thí sinh chật vật ôn thi IELTS, ròng rã thức khuya tới 2 giờ sáng - 1

Ngọc Ánh bỡ ngỡ rất nhiều khi mới tiếp cận với IELTS. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ là áp lực khi nhiều người bạn có điểm IELTS cao, chật vật khi cân bằng với lịch học trên lớp, hành trình ôn luyện vất vả đã khiến sức khỏe của Ngọc Minh (7.5 IELTS, lớp 12 chuyên Anh trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ) giảm sút.

Kể về những ngày cuối trước khi dự thi, Ngọc Minh bày tỏ: "Hai tháng ròng rã thức khuya đến hơn 2 giờ sáng, hay ngủ thiếp đi vì mệt mỏi, không chỉ làm mình nổi nhiều mụn hơn, tự ti hơn mà còn khiến mình luôn thiếu năng lượng.

Lúc ôn thi IELTS mình còn bị viêm da dị ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa rất nhiều nhưng không nói cho bất kỳ ai, kể cả bố mẹ vì sợ bố mẹ lo không cho đi thi. Cho đến tận hôm thi mình vẫn vừa ngồi làm bài vừa gãi vì rất ngứa và khó chịu, tay chân sưng phồng lên và rỉ máu, thi xong mới dám báo gia đình và được đưa đi khám".

Thí sinh chật vật ôn thi IELTS, ròng rã thức khuya tới 2 giờ sáng - 2

Ngọc Minh luôn cố gắng để vượt qua những khó khăn khi ôn luyện IELTS. (Ảnh: NVCC)

Những bí kíp để vượt kỳ thi IELTS

Để đạt được số điểm ấn tượng, Diệu Linh (8.0 IELTS, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng trải qua rất nhiều áp lực.

Với Linh, việc giữ đam mê và tạo niềm vui khi học tiếng Anh là vô cùng cần thiết. Cô bạn bày tỏ: "Tìm được niềm vui khi học rất quan trọng, chẳng hạn như mình thường xem meme bằng tiếng Anh. Đôi khi những hình ảnh hài hước này ẩn chứa câu chuyện thú vị nào đó phía sau, hoặc có thể là tiếng lóng.

Khi mình không hiểu thì sẽ khao khát tìm tòi, và dần hình thành phản xạ khi bạn không hiểu từ tiếng Anh nào đó thì sẽ tra tới cuối".

Thí sinh chật vật ôn thi IELTS, ròng rã thức khuya tới 2 giờ sáng - 3

Với Diệu Linh, tìm được niềm vui khi học tiếng Anh là vô cùng quan trọng (Ảnh: NVCC)

Còn với Hoàng Phi (6.0 IELTS, sinh viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), cách để vượt qua khó khăn khi học tiếng Anh là khiến nó trở nên gần gũi.

Phi chia sẻ: "Cách học Tiếng Anh hiệu quả là tiếp xúc với nó ngay trong đời sống. Mình học chương trình đại học với tất cả kiến thức bằng Tiếng Anh nên mình phải cố gắng hấp thụ nó. Lúc trước, mình hầu như chỉ sử dụng tiếng Việt và coi Tiếng Anh chỉ là một môn học nên rất dễ nản lòng. Nhưng khi bước vào môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, mình buộc phải tiếp xúc với nó thì nó giúp mình quen thuộc hơn và thoải mái hơn khi giao tiếp, kể cả khi nói và viết".

Thí sinh chật vật ôn thi IELTS, ròng rã thức khuya tới 2 giờ sáng - 4

Áp dụng thật nhiều vào đời sống là cách Hoàng Phi thường làm để trau dồi khả năng tiếng Anh. (Ảnh: NVCC)

Học IELTS chỉ để lấy bằng, nên hay không nên?

IELTS hiện nay là một trong những con đường để giúp học sinh vào đại học, để các sinh viên ra trường, để có cơ hội vào các tập đoàn lớn… Thậm chí đã có một số trường THPT sử dụng chứng chỉ IELTS làm một trong những tiêu chí xét tuyển. Vì những ưu thế như vậy, ngày càng nhiều người học chứng chỉ này chỉ để có bằng chứ không phải để trau dồi ngoại ngữ.

Chia sẻ về vấn đề này, Ngọc Minh bộc bạch: "Mình nghĩ đây là mục tiêu họ hướng tới nên cũng không thể bàn luận gì nhiều. Nhưng cũng do điều đó mà phát sinh hiện tượng lạm phát IELTS, dẫn đến việc giảm đi giá trị của tấm bằng ở nước mình. Nếu chỉ học IELTS vì một tấm giấy chứng nhận thì sau thời gian đó sẽ chẳng đọng lại gì nhiều, đặc biệt là kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống. Điều đó rất tốn thời gian và tiền bạc".

Diệu Linh bày tỏ suy nghĩ: "Mình nghĩ chuyện này cũng không sai, vì căn bản IELTS với mỗi người sẽ phục vụ cho một lợi ích khác nhau. Muốn lấy được chứng chỉ với số điểm cao thì ai cũng phải học kiến thức và cách giao tiếp, và đa phần mọi người khi đã xác định học IELTS thì chắc chắn sẽ lấy chứng chỉ thôi vì giờ đây chứng chỉ này được xem như một thước đo, một quy chuẩn mà".