Ngô Di Lân: “Du học sinh ở hay về, bạn phải thực dụng”

(Dân trí) - Ở lại hay trở về quê hương sau khi tốt nghiệp luôn là câu hỏi không dễ đối với mỗi du học sinh. Ngô Di Lân, chàng trai 21 tuổi, hiện là du học sinh bậc Tiến sĩ Đại học Brandeis (2015-2020) cho rằng, cần thiết phải… thực dụng khi đưa ra quyết định.

>> Xem thêm: Chàng trai tuổi 20 giành học bổng Tiến sĩ toàn phần Mỹ

“Nếu như vở kịch Hamlet đã trở nên quá nổi tiếng với câu nói trứ danh "to be, or not to be" thì với mỗi du học sinh, dù sớm dù muộn họ vẫn sẽ phải đối diện với câu hỏi đầy ám ảnh "to stay, or not to stay". Vậy rốt cuộc thì bạn nên ở lại hay trở về?

Đầu tiên, mình chỉ muốn nói rằng nếu như ai đó nhìn vào mình và dựa trên những gì mình đã phát biểu trên báo chí để đoán câu trả lời của mình trong vấn đề "ở lại hay trở về" thì người đó ắt sẽ sai.

Đơn giản bởi mình sẽ không khuyên các bạn nhất quyết về nhà trừ khi các bạn thấy rằng việc này thật sự cần thiết. Vậy tại sao mình lại khuyên các bạn ở lại nếu muốn trong khi mình nhất quyết sẽ về ngay sau khi học xong?


Tác giả Ngô Di Lân (21 tuổi) hiện đang là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại trường ĐH Brandeis (Mĩ)

Tác giả Ngô Di Lân (21 tuổi) hiện đang là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại trường ĐH Brandeis (Mĩ)

Thứ nhất, trở thành một nhà ngoại giao choViệt Nam từ lâu đã trở thành ước mơ lớn nhất của mình và để thực hiện được ước mơ này thì "về nhà" là con đường duy nhất.

Mình có thể trở thành một nhà ngoại giao cho Liên Hợp Quốc nhưng thật lòng thì có điều gì đó khá đặc biệt khi mình cảm giác đang được chơi dưới "màu cờ sắc áo" của Việt Nam.

Thứ hai, mình tin rằng sau một quá trình học hỏi lâu dài ở nước ngoài thì mình có gì đó mới lạ để đem về Việt Nam và chia sẻ với mọi người. Có những thứ sinh viên trong nước sẽ cung cấp được nhưng có những kiến thức, những kinh nghiệm nhất định chỉ có một du học sinh lâu năm mới có.

Trong cùng một thời gian 5 năm nghiên cứu, mình tin rằng mình sẽ hiểu nước Mỹ cặn kẽ hơn một bạn sinh viên trong nước. Cuối cùng, mình đã và đang tập trung xây dựng những mối quan hệ ở Việt Nam có thể giúp ích cho mình sau này.

Khi mà mình tin rằng phải về nhà mình mới phát huy được hết khả năng của bản thân thì tại sao lại không về?

Thế nhưng với nhiều bạn trở về có lẽ không phải sự lựa chọn tốt nhất. Thứ nhất, nếu các bạn trông đợi quá nhiều, các bạn sẽ vỡ mộng vì phong cách làm việc, cơ chế sử dụng nhân lực ở Việt Nam nói chung, và trong các cơ quan nhà nước nói riêng khác với những gì đang quen thuộc với bạn ở nước ngoài.

Nếu những kiến thức bạn đem về nó quá tân tiến thì không những bạn sẽ khó được trọng dụng mà có thể còn bị cô lập vì có sự chênh lệch quá lớn giữa tư tưởng của bạn và những người xung quanh.

Hơn nữa, với tấm bằng xuất sắc từ một trường ĐH danh tiếng về nhà, bạn trông đợi sẽ được trả công xứng đáng. Tuy nhiên điều này chưa chắc đã thành hiện thực. Nếu không cẩn thận, tinh thần bạn sẽ suy sụp.

Thứ hai, có những lĩnh vực bạn không thể nghiên cứu và phát triển trong nước vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, ví dụ như là về mảng công nghệ in ấn 3D, công nghệ chế tạo vũ khí, máy bay hiện đại, v.v... Nếu bạn biết rằng thứ bạn học ra về nhà chắc chắn không có cơ hội để phát triển thì bạn về làm gì?

Cuối cùng, không phải cứ về nhà là yêu nước mà ở nước ngoài là không.Việc cống hiến nó không nhất thiết bị bó buộc bởi yếu tố địa lý, cái quan trọng nhất là kết quả mà bạn tạo ra và bạn có mong muốn cho đất nước mình tốt đẹp hơn hay không.

Ngô Di Lân: “Du học sinh ở hay về, bạn phải thực dụng” - 2

Nếu phải chọn giữa một sinh viên ở lại nước ngoài mà có tiền để chuyển về cho gia đình đều đặn và một sinh viên về nước nhưng sống dựa vào gia đình thì đương nhiên mình sẽ chọn người ở lại. Cái này không phải bàn cãi.

Thông điệp ngắn gọn ở đây là trong vấn đề "ở lại hay trở về", bạn phải thực dụng.

Thực dụng ở đây đơn thuần có nghĩa là bạn phải chọn con đường có khả năng cao nhất giúp bạn phát huy được hết năng lực của mình, vì khi đó dù bạn ở đâu đi nữa, bạn vẫn có thể cống hiến được cho đất nước và cho xã hội. Về nhà không phải là yêu nước, chỉ có khao khát cống hiến mới là yêu nước.

Thế nên nếu có một ngày bạn quyết định ở lại vì bạn tin rằng chỉ ở nước ngoài bạn mới đóng góp được cho Việt Nam và xã hội nói chung, mình dám chắc rằng lúc đó đất nước Việt Nam sẽ thầm cảm ơn bạn”.

Ngô Di Lân

Du học sinh bậc Tiến sĩ Đại học Brandeis niên khóa 2015-2020.

>> Xem thêm: Chàng trai tuổi 20 giành học bổng Tiến sĩ toàn phần Mỹ

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Ngô Di Lân

Ngày sinh: 7/7/1994

Du học sinh bậc Tiến sĩ Đại học Brandeis niên khóa 2015-2020.

Thành tích học tập và ngoại khóa:

- Học bổng Tiến sĩ toàn phần Đại học Brandeis 2015-2020

- Học bổng toàn phần Đại học College Maastricht 2012-2015

- Sáng lập – Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO)

- Tổng thư ký chương trình Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc (VYMUN) 2014

- Đại sứ hội thảo “Harvard Project for Asian and International Relations” 2014

- Đại biểu giỏi ngoại giao nhất “Hanoi Model United Nations” 2013

- Đại biểu xuất sắc nhất “Model East Asia Summit” 2013

- Thí sinh xuất sắc nhất “Vietnam Youth Icon” 2013

- Giải 2 cuộc thi hùng biện “Novice Leiden Open” 2013

- Giải 3 cuộc thi “IChallenged” 2013 - Hà Nội

- Học sinh xuất sắc và truyền cảm hứng nhất 2012 tại THPT Kungsholmens Gymnasium - Thuỵ Điển

- Đại biểu xuất sắc nhất tại cuộc thi “Stockholm Model United Nations” 2012

- 1 giải nhất, 2 huy chương đồng, 2 huy chương bạc giải Bóng bàn tại Thuỵ Điển (2010-2012)

- Giải VĐV bóng bàn của năm 2011 tại Hammarby IF club-Stockholm - Thuỵ Điển.