Nghịch lý: Học nghề dễ kiếm việc, thu nhập khá lại ít người theo học
(Dân trí) - Học viên học trường nghề ra trường rất dễ kiếm việc làm vì nhu cầu thị trường lớn, nhưng đến mỗi kỳ tuyển sinh, các trường nghề lại rất khó tìm học viên.
Học nghề dễ kiếm việc
Dù thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học viên từ đầu tháng 4 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, khi được hỏi về kết quả tuyển sinh sơ bộ nhiều trường trung cấp nghề trên địa bàn TPHCM đều khó trả lời vì không khả quan.
Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TPHCM), tuyển đủ học viên là vấn đề nan giải của hầu hết các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ lâu nay. Đây là điều nghịch lý khi học sinh trường nghề ra trường rất dễ kiếm việc làm nhưng nhu cầu của người học lại không cao.
Về góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, cho rằng: "Nguyên nhân của hiện tượng này là tâm lý chuộng bằng cấp cao của phụ huynh".
Theo ông, điều này khiến cung cầu thị trường lao động mất cân bằng rất lớn. Trong khi tỷ lệ nhu cầu lao động trình độ Đại học trở lên thấp nhưng nguồn cung lại cao, còn doanh nghiệp tìm kiếm lao động trình độ Trung cấp không ra.
Ông Tuấn cho biết, học viên học trường nghề ra trường rất dễ kiếm việc làm vì nhu cầu thị trường lớn, được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp vững vàng... Ngoài ra, học phí ở trường nghề cũng là một lợi thế vì rất thấp so với học Đại học (chỉ từ 6 - 12 triệu đồng/năm học) và được Nhà nước hỗ trợ phần lớn.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long cũng cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trường nghề khó tuyển học viên. Lớn nhất là tâm lý phụ huynh hiện vẫn chuộng bằng cấp, thích cho con mình học đại học hơn là đi học nghề. Nếu không học được đại học thì người ta tính tới cao đẳng, không học được cao đẳng mới đến học nghề".
Theo ông Long, quan niệm xem nhẹ việc học nghề của phụ huynh là sai lầm. Vì những đứa trẻ chỉ có thể phát triển tốt, có tương lai tươi sáng khi lựa chọn đúng nghề mà đứa trẻ có năng khiếu, đam mê và yêu thích.
Ông nói: "Không phải có bằng cấp cao là thành công và phát triển. Ai cũng sợ học nghề xong thì làm culi cả đời. Nhưng thực ra, nếu đứa trẻ có khiếu trong nghề nào đó thì nó dễ thành công trong nghề nghiệp, thậm chí là tự kinh doanh, cơ hội phát triển cao hơn nhiều so với việc có bằng cấp cao mà không phù hợp".
Phận "con ghẻ" của trường nghề
Theo ông Trần Anh Tuấn, không chỉ phụ huynh học sinh xem trường nghề như "con ghẻ" mà cả các trường phổ thông cũng vậy. Ông Tuấn đã có 20 năm hoạt động trong mảng nghiên cứu nguồn nhân lực và tư vấn tuyển sinh nên thấy rất rõ tình trạng phân biệt đối xử của các trường với hệ đại học, cao đẳng so với hệ trung cấp nghề.
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Trung cấp là khổ nhất trên đời. Các trường Đại học danh tiếng thì các trường phổ thông liên hệ mời đến tư vấn tuyển sinh. Còn các trường nghề tự đến liên hệ người ta cũng không muốn, phải ra cổng trường tư vấn khi học sinh tan học, phát tờ rơi quảng cáo…".
Ông Hoàng Quốc Long cho biết tình hình tuyển sinh của hệ thống trường trung cấp nghề càng khó khăn hơn từ năm 2020, khi các trường cao đẳng bắt đầu quảng cáo tuyển sinh hệ 9+, tức là học sinh tốt nghiệp lớp 9 cũng được vào học cao đẳng. Với chương trình này, học sinh tốt nghiệp THCS đều bị các trường cao đẳng "vét" hết, vì dù sao mang danh học cao đẳng vẫn "oách" hơn trung cấp.
Ông Long nói: "Thực chất thì học sinh vào trường cao đẳng nhưng vẫn học trình độ trung cấp và sau này muốn học cao đẳng vẫn phải liên thông. Nhưng cách quảng cáo này làm cho học sinh lớp 9 nhầm lẫn và dẫn đến hiện tượng đổ xô vào trường cao đẳng để học nghề".
Do đó, công tác tuyển sinh trong những năm gần đây được các trường nghề ví như là "cuộc chiến khốc liệt", quyết định khả năng sinh tồn của trường.
Ông Long cho hay: "Các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực hết sức để cải tạo điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy nhằm thu hút học viên. Còn trong thời gian này, công việc tuyển sinh là ưu tiên hàng đầu của các trường".
Để tuyển sinh tốt hơn, các trường tìm đủ mọi cách mời gọi học viên, lập cả các trung tâm chăm sóc học viên, huy động tất cả giảng viên tham gia công tác tuyển sinh, thậm chí là mời chuyên gia về đào tạo kỹ năng tuyển sinh cho giảng viên…