Nghị lực phi thường của cô bé xương thủy tinh
(Dân trí) - Sinh ra đã mắc căn bệnh xương thủy tinh, cơ thể yếu ớt nhưng nghị lực của Nguyễn Thị Thúy Hòa đã khiến thầy cô, bạn bè phải nể phục.
Đặc biệt, môn ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT, Hòa đã xuất sắc giành được điểm số ấn tượng 9,75. Đây là số điểm cao nhất về môn Văn của Trường THPT Nghi Lộc 5 trong suốt 15 năm qua.
Sinh ra không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, Nguyễn Thị Thúy Hòa, trú xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh khiến cơ thể em không phát triển.
Mặc dù bị bệnh, nhưng ước mơ đến trường, được đi học, khám phá tri thức luôn "bùng cháy" trong Hòa. Để hiện thực hóa ước mơ của Hòa, gia đình đã phải vay mượn, chạy chữa và em đã trải qua 2 lần phẫu thuật, rồi tập luyện từng bước đi để chập chững đến trường.
Với nhiều bạn bè, hình ảnh cô bé thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt lấp lánh chăm chú học tập, đôi bàn tay luôn giơ cao để xung phong phát biểu đã trở nên quen thuộc. Dù nắng hay mưa, thậm chí những đau đớn do vết mổ vẫn không ngăn được bước chân đến trường đều đặn mỗi ngày của em.
Năm 2019, sau những tháng ngày nỗ lực không biết mệt mỏi, Hòa thi đỗ vào Trường THPT Nghi Lộc 5. Những năm ở môi trường THPT, hành trang mà Hòa mang theo là khao khát học tập, thực hiện hoài bão của mình. Hòa tích cực trong mọi hoạt động ở trường, ở lớp.
"Trong những giờ học, dù là bất cứ môn nào, Hòa đều chăm chú, xung phong xây dựng bài, sẵn sàng trở thành nhóm trưởng trong các hoạt động. Những chương trình học ngoại khóa, hay cuộc thi khoa học kỹ thuật ở trường, Hòa đều là thành viên nhiệt tình và tích cực nhất", thầy Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 chia sẻ.
Cũng theo thầy Đặng Đình Kỳ, nhờ chịu khó, biết vươn lên nên 3 năm học, những sản phẩm tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp trường, em đều giành vị trí Nhất, Nhì.
"Không chỉ vậy, Hòa còn đam mê các tác phẩm văn chương, rất thích đọc sách… Hòa trở thành thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn cấp tỉnh của trường. Ngày ngày, Hòa miệt mài bên trang sách, thích thú với những câu văn hay, say mê bên con số, hào hứng những câu từ tiếng Anh thú vị. Trong các kỳ thi khảo sát của nhà trường, Hòa luôn được vinh danh là học sinh có điểm thi cao nhất", thầy Kỳ chia sẻ thêm.
Con đường học tập của Hòa không hề dễ dàng như các bạn cùng trang lứa. Để đi hết cấp THPT, Hòa đã mất tới 4 năm học và chịu bao đau đớn trong cuộc sống.
Nói về "kỳ tích" của cô bé xương thủy tinh, thầy Đặng Đình Kỳ kể, kết thúc năm học lớp 10, ngay trong ngày tổng kết, một tai nạn đã xảy ra đối với Hòa, khiến đôi chân của em bị gãy. Lại tiếp tục một ca phẫu thuật mới, cơ thể yếu ớt của em gồng lên chống chịu những cơn đau. Đến thăm em ở bệnh viện lúc ấy, nhiều thầy cô đã không khỏi rơi nước mắt.
"Hôm đó, Hòa vẫn cầm lấy tay cô giáo chủ nhiệm và nói "em sẽ cố gắng. Sang năm em trở lại trường". Năm học lớp 11, em Hòa đã trở lại học tập, đôi chân tập tễnh không thể tự đi từng bước. Những buổi đến trường, Hòa được bạn dìu vào lớp", thầy Kỳ tâm sự.
Tưởng chừng không có điều gì cản trở con đường học tập, ý chí vươn lên của cô học trò đầy nghị lực này. Thế nhưng, giữa năm lớp 11, Hòa lại gặp tai nạn. Lần này, Hòa phải nghỉ học để điều trị lâu dài.
Hằng ngày, nhìn bạn bè vui vẻ đến trường, Hòa luôn tự nhủ không thể bỏ dở ước mơ của mình, quyết phải tiếp tục con đường học tập…
Kể từ đó, Hòa xin bố mẹ sống tự lập, tạm xa gia đình, đến ở tại một căn phòng nhỏ trong ký túc xá của Trường THPT Nghi Lộc 5, tự chăm sóc bản thân, tự thu xếp cuộc sống để tiếp tục được học.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm em Hòa chia sẻ: "Hình ảnh cô học trò bé nhỏ, ngày ngày đi học, tối chong đèn miệt mài đến khuya khiến nhiều thầy cô, bạn bè cảm phục và thực sự xúc động trước tinh thần, nghị lực của em. Nhà trường, thầy cô, bạn học luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hòa. Ban giám hiệu nhà trường đã bố trí lớp học ở tầng một và căn phòng ở ký túc xá của nhà trường cho Hòa nghỉ ngơi".
Chị Nguyễn Thị Châu - mẹ Hòa, tâm sự: "Không biết cháu có tiếp tục được đến giảng đường đại học như ước mơ nữa hay không?. Bởi, những khiếm khuyết trên cơ thể là một cản trở đối với con gái tôi. Khi bắt đầu một hành trình mới, xa quê, lúc trái gió trở trời, khi mệt mỏi, ốm đau… con nó có vượt qua không?", chị Châu rơi nước mắt khi nghĩ về chặng đường phía trước của con.
Với tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5, Nguyễn Thị Thúy Hòa là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, truyền cảm hứng về khát vọng học tập. Hành trình bước tới tương lai của Hòa còn nhiều gian nan. Hi vọng, dù bất kỳ nơi đâu, ý chí, nghị lực và niềm khát khao được học tập, ước mơ trở thành người có ích của Nguyễn Thị Thúy Hòa sẽ thành hiện thực.