Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên

Phạm Hoàng Thanh Tú

(Dân trí) - Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều em học sinh ở huyện Sa Thầy, Kon Tum đã nỗ lực để giành được thành tích tốt trong học tập. Các em còn tìm kiếm việc mưu sinh sau giờ học để phụ giúp gia đình.

Giữa cái nắng đổ lửa, chúng tôi ghé thăm nhà Lê Ngọc Bích Thảo (học sinh lớp 8A Trường PTDT Bán trú THCS Hai Bà Trưng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là một căn chòi rộng chừng 20m2, được dựng bằng mấy tấm tôn cũ.

Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên - 1

Hai mẹ con Thảo phải sống trong căn chòi cũ, dựng tạm sát chuồng bò (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vì hoàn cảnh gia đình, Thảo cùng mẹ đã chuyển từ thị trấn Sa Thầy về sống ở nhà bà ngoại tại xã Sa Bình. 

Cuộc sống khó khăn nên chị Đinh Thị Thủy (mẹ của Thảo) phải đi khắp các tỉnh Tây Nguyên để làm thuê, làm mướn. Mẹ đi làm xa, cô học trò nhỏ phải tự lập, lo việc học và việc trong gia đình.

Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên - 2

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Thảo luôn nỗ lực học tập (Ảnh: Phạm Hoàng).

Thương mẹ cơ cực, ngoài giờ học, cô học trò nhỏ theo người dân trong làng đi mót mủ cao su. Số tiền kiếm được, Thảo dành để trang trải việc học hành và mua thêm bó rau chuẩn bị cơm tối.

hoàn cảnh khó khăn nhưng Thảo vẫn không ngừng nỗ lực, vươn lên trong học tập. Bất kể nắng hay mưa, Thảo không bỏ buổi học nào. Hơn 8 năm nay, Thảo đều là học sinh khá và tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào ở trường.

Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên - 3

Sau mỗi buổi học, Thảo cùng với người dân trong làng đi mót mủ cao su để có thêm tiền trang trải việc học (Ảnh: Phạm Hoàng).

Thảo bộc bạch: "Em đi mót tiền bán mủ cao su mót được khoảng 50 - 70 nghìn đồng mỗi ngày. Em biết cuộc sống gia đình còn thiếu thốn, khó khăn nên muốn san sẻ việc cùng mẹ để có thêm thu nhập, tự lo cho bản thân".

Nói về ước mơ, Thảo luôn muốn mình sẽ đạt được những thành quả tốt để mai sau có thể trở thành một giáo viên. Lúc đó, em sẽ trở về nơi mảnh đất khó khăn này để gieo chữ và giúp đỡ những học sinh khó khăn như em đã từng trải qua.

Thầy Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Hai Bà Trưng -cho biết: "Hình ảnh cô học trò nghèo thường len lỏi dưới tán rừng cao su để nhặt những giọt mủ còn sót lại khiến tôi cũng như giáo viên không khỏi xúc động, thán phục.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh Thảo, nhà trường và giáo viên, bạn bè luôn chia sẻ, động viên để em hòa nhập, tập trung vào việc học tập. Đồng thời, kêu gọi những mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ để em có chi phí học tập. Do hoàn cảnh khó khăn và em phải đi làm thêm nên việc học của em phần nào cũng bị ảnh hưởng.

Tương tự, em Đặng Thị Minh Thư (học sinh lớp 8, Trường THCS Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cũng lớn trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố em từ nhỏ đã bỏ xứ ra đi, hai mẹ con vất vả nương tự vào nhau.

Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên - 4

Cô học trò Đặng Thị Minh Thư với thành tích 8 năm liền là học sinh giỏi và giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia (Ảnh: Thanh Tú).

Ý thức được hoàn cảnh của gia đình, Thư luôn cố gắng học tập. Nhiều năm liền, em luôn đạt học sinh giỏi và nằm trong ban cán sự lớp. Em luôn là một trong những tấm gương vượt khó tiêu biểu để nhiều bạn học sinh trong trường noi theo.

Để có tiền đi học, mỗi buổi sáng, Thư đi làm thêm, phụ bán quán bún ở gần nhà. Trước khi đến trường, Thư cũng làm hết việc nhà và lo cơm nước cho em nhỏ trong nhà.

Thư bộc bạch: "Ngoài thời gian học ở trường, em ý thức tự học ở nhà để nắm vững kiến thức. Vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm nên em chủ động hỏi bạn bè, thầy cô về những bài học chưa hiểu".

Nghị lực của những nữ sinh vượt khó học giỏi nơi cao nguyên - 5

Ngoài giờ học ở trường, Thư phụ bán quán bún, chăm lo việc nhà, phụ giúp mẹ (Ảnh: Thanh Tú).

Trong 8 năm học qua,, Thư luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và là học sinh ngoan, gương mẫu của nhà trường, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Không những thế, em còn luôn nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong học tập.

Thư đã tham gia nhiều cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và đạt nhiều thành tích, đặc biệt giải Ba cuộc thi "Sáng tạo cùng Stem" cấp quốc gia.

Thầy Huỳnh Thế Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp, cho hay: " Thư rất ngoan ngoãn, chăm chỉ. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không vì thế mà em bỏ bê việc học hành. Trên lớp, em học giỏi, là trò ngoan của thầy cô, người con hiếu thảo của gia đình. Em là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó học tập tốt".

Được biết, tuy chưa xác định được chuyên ngành nhưng điều Thư mong muốn vượt qua cánh cửa Đại học để có việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm