Nghề bếp - nghề "hot" dễ học mà dễ kiếm việc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Với những tín đồ ăn uống và đam mê sáng tạo, nấu ăn quả thật là một nghề phù hợp. Hơn thế nữa, đây là một nghề mang đến thu nhập ổn định và dễ kiếm việc làm.

Nhu cầu đầu bếp rất lớn

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề kéo theo các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn cũng lao đao khiến nghề đầu bếp cũng "xuống giá" theo.

Từ tháng 5, khi dịch bùng phát mạnh mẽ thì tình hình càng tệ vì nhiều hàng quán ở TPHCM phải đóng cửa nghỉ bán, khá nhiều đầu bếp thất nghiệp. Tình hình này khiến cho các học sinh vừa tốt nghiệp THCS, chuẩn bị chọn nghề đắn đo khi nghĩ đến nghề đầu bếp.

Trong chương trình định hướng nghề nghiệp mới đây do Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức, thạc sĩ Nguyễn Quốc Y - Giám đốc trường Dạy nghề Ẩm thực Netspace, cũng thừa nhận thời điểm này học đầu bếp để ra nước ngoài làm việc rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nếu học chỉ để làm trong nước thì nhu cầu vẫn rất lớn. Bởi việc hàng quán đóng cửa do giãn cách xã hội chỉ diễn ra tại một số địa phương và trong những thời gian ngắn, không thể kéo dài mãi. Khi hết giãn cách, hàng quán hoạt động trở lại thì nhu cầu đầu bếp sẽ trở lại như xưa.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng nhấn mạnh đầu bếp là một nghề có nhu cầu nhân lực rất lớn, từ nhà hàng lớn cho đến các quán ăn nhỏ, đến các quán nước hiện cũng có nhu cầu thuê những người pha chế chuyên nghiệp để thu hút khách.

Theo ông, đây cũng là nghề có khả năng phát triển tốt khi học viên học xong có thể xin làm thuê, hoặc dễ dàng mở cơ sở tự kinh doanh, hay trau dồi thêm để trở thành những đầu bếp tầm cỡ sẽ có thu nhập khó tính toán được.

Nghề bếp - nghề hot dễ học mà dễ kiếm việc - 1
Một buổi thực hành nghề bếp tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng, cũng đồng tình: "Ngành kỹ thuật chế biến món ăn, hay còn gọi là nghề bếp đang thu hút được nhiều bạn trẻ đam mê trở thành đầu bếp theo học, bởi đây là ngành có việc làm ổn định và mức thu nhập cao".

Theo thạc sĩ Hoàng Ánh, hiện nay người dân đã không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền như xưa nữa, thay vào đó là nhu cầu ăn uống các món ăn ngon, sang trọng. Do đó, nghề bếp trở thành ngành học "hot" với lượng sinh viên đăng ký học tăng cao hàng năm.

Đến trường học để được nhiều ưu đãi

Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Y - Giám đốc trường Dạy nghề Ẩm thực Netspace, nghề bếp là một ngành học rất rộng và có nhiều cấp đào tạo từ lớp kỹ năng ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp… Ngành này chia thành vài nhóm nghề lớn như pha chế, làm bánh, món Âu, món Á, món Việt…

Ông nói: "Ngành này phân nghề thì rất rộng, như trong món Việt, học nấu phở thì có thể làm nghề phở, rồi nghề hủ tiếu, nghề bún bò…".

Nếu học các nghề cụ thể trong các lớp kỹ năng nghiệp vụ, học viên có khi chỉ mất một tuần đến một tháng là xong, học trình độ sơ cấp để am hiểu nghề rõ ràng hơn cũng chỉ mất 3 tháng. Đây là thời gian rất ngắn để nắm một nghề trong tay, phù hợp với nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần có nghề để đi làm sớm.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Y, nghề bếp nghe đơn giản như thế nhưng vẫn phải đến trường để được đào tạo bài bản mới dễ hội nhập thị trường lao động hiện nay.

Ông nói: "Học nghề phở không chỉ là học cách nấu được món phở, đến quán làm mấy bữa là học được hay xem trên youtube tập làm vài lần là xong".

"Ở trường, các bạn không chỉ học cách nấu món ăn mà còn học cách chuẩn bị nguyên liệu đạt chất lượng, chế biến theo hình thức công nghiệp để phục vụ cùng lúc nhiều người, quy trình đảm bảo vệ sinh, cách làm việc an toàn, cách bố trí gian bếp phù hợp với nghề…", thạc sĩ Nguyễn Quốc Y cho biết thêm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng cũng đồng tình. Bà cho là học sinh lựa chọn theo nghề bếp nên đến các trường học để được đào tạo chuyên nghiệp và hưởng nhiều ưu đãi.

Theo bà Hoàng Ánh, như tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng là một trường công nên học viên tốt nghiệp THCS, chưa tốt nghiệp THPT sẽ được miễn học phí khi học trung cấp nghề theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá...

Đó là chưa kể tại các trường học khi được cấp phép đào tạo một nghề trong danh mục nghề quốc gia đều phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn. Giảng viên được mời giảng dạy đều là các bếp trưởng tại các khách sạn, nhà hàng lớn chứ không phải chỉ là người biết nấu ăn. Các trường trung cấp đều cam kết giới thiệu việc làm cho 100% học viên khi tốt nghiệp…

"Một điều quan trọng nữa là học ở trường các em có bằng cấp chứng nhận. Để trở thành một đầu bếp tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp với mức thu nhập cao thì không chỉ có năng khiếu về nấu ăn mà các bạn cần có thêm các giấy tờ phù hợp", thạc sĩ Hoàng Ánh nhấn mạnh.

Học nghề bếp có thể làm gì?

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng, sau khi ra trường, sinh viên học nghề bếp có thể làm ở các vị trí của nghề bếp, pha chế thức uống tại các nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp, trường học.

Sinh viên cũng có thể tự khởi nghiệp với các tiệm ăn mang màu sắc riêng của mình và trở thành các chuyên gia ẩm thực, dinh dưỡng hoặc làm giáo viên chuyên nghiệp. Ngoài ra, nghề bếp cũng có cơ hội làm việc tại nước ngoài rất cao khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm