Tuyển sinh 2021: Các trường nghề thu hút gần 30.000 thí sinh
(Dân trí) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng, tính đến tháng 5/2021 đạt 29.369 HSSV, bằng 5% kế hoạch năm 2021 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020.
Đó là thông tin được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giao ban mở rộng với một số Sở LĐ-TB&XH và cơ sở GDNN để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở GDNN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mới đây.
Theo đó, kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng, tính đến tháng 5/2021 đạt 29.369 người, bằng 5% kế hoạch năm 2021 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: cao đẳng 11.213 người, trung cấp 18.156 người. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch…
Đối với đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, cả nước tuyển sinh, đào tạo cho hơn 200.000 người trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, đạt 16,9% kế hoạch năm (1,76 triệu người), bằng 65,2% cùng kỳ năm 2020 (460 nghìn người). Trong đó, số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 12.500 người.
Dự kiến kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm được 635 nghìn người (bằng 26,7% kế hoạch năm 2021). Trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 35 nghìn người, đạt 6% kế hoạch, trình độ sơ cấp và các chương trình Giáo dục nghề nghiệp khác là 600 nghìn người (đạt 34% kế hoạch). Số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 40 nghìn người.
Báo cáo, đánh giá một số nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trong 5 tháng đầu năm 2021 nhấn mạnh, dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 song lĩnh vực GDNN cũng đã đạt được một số kết quả tiến bộ phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn hệ thống GDNN, trong đó có thể kể đến công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, lĩnh vực GDNN gặp phải những khó khăn về tuyển sinh nhất là đối với những ngành, nghề học nặng nhọc độc hại, ngành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.
Tỷ lệ phân luồng vào học nghề và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp; quy mô và cơ cấu chưa hợp lý, gắn với thị trường lao động. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương thiếu và hạn chế năng lực. Số lượng tổ chức kiểm định chất lượng GDNN độc lập còn ít, phần lớn các cơ sở GDNN chưa hình thành hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng. Việc chuẩn bị đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn có những khó khăn và chưa triển khai đồng bộ.
Thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương. Kịp thời tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Luật GDNN, các Nghị quyết, Quyết định, Kết luận của Trung ương, phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.
Ưu tiên đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Trước mắt, giáo dục nghề nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Đề xuất sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia các khóa đào tạo nghề để chuyển nghề, chống thất nghiệp.
Tham mưu Bộ có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ cho phép sử dụng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để tổ chức đào tạo đón đầu, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề và phòng chống thất nghiệp, trước mắt tập trung thực hiện đối với một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động và bị tác động nặng nề do dịch bệnh (dệt may, da giày, lắp ráp, chế biến) theo hướng giảm điều kiện hỗ trợ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đã thông báo nhanh thông báo số 130/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ LĐ-TB&XH về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất, trong đó đã ghi nhận GDNN bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong quản lý nhà nước; một số ngành nghề đào tạo đã tiếp cận với trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Trên tinh thần vì sự phát triển của hệ thống GDNN, Tổng cục trưởng đề nghị các Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở GDNN có các ý kiến thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc hiện tại của hệ thống, các trường cần được tháo gỡ.
Những việc cần trung ương tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ, những việc thuộc thẩm quyền của địa phương và những việc nhà trường cần phải nỗ lực, khắc phục vượt qua.
Tổng cục trưởng cũng đề nghị các Sở LĐ-TB&XH, các trường cần có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.