Nghệ An: Sẽ thí điểm 14 trường trọng điểm chất lượng cao

(Dân trí) - Sở GD&ĐT Nghệ An dự kiến triển khai thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao tại 5 trường THPT và 9 trường THCS trên toàn tỉnh. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

chat luong cao (2).jpg
Sẽ có 14 trường học (gồm 5 trường THPT và 9 trường THCS) trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thí điểm xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao.

Chủ trương xây dựng một số trường trung học trọng điểm, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có từ năm 2012. Sau nhiều lần bàn thảo, xin ý kiến, để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, thời điểm này, Nghệ An không chủ trương xây dựng đề án mà chỉ triển khai thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn, giai đoạn 2019-2023.

Việc xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao nhằm mục đích làm nòng cốt, đi đầu trong thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời tạo cơ hội bình đẳng về thụ hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho người học.

Ở các trường này, chương trình giáo dục nhà trường ngoài việc đảm bảo thực hiện chương trình bắt buộc, còn có nội dung tăng thêm. Trong đó, tập trung theo hướng bổ sung các nội dung giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống, các kỹ năng về Ngoại ngữ và Tin học, các nội dung giáo dục STEM (lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), những nội dung giáo dục tham khảo từ các trường tiên tiến.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Nghệ An dự kiến trong thời gian đầu sẽ thực hiện thí điểm tại 5 trường THPT, gồm THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT DTNT tỉnh, THPT Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp), THPT Nguyễn Duy Trinh (huyện Nghi Lộc), THPT Đô Lương (huyện Đô Lương). Bên cạnh đó, có 9 trường THCS là THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), THCS Cao Xuân Huy (Diễn Châu), THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu), THCS Bạch Liêu (Yên Thành), THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương), THCS Anh Sơn (Anh Sơn), THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ) và THCS Hòa Hiếu 2 (thị xã Thái Hòa).

Thông báo số 1308 - TB/TU ngày 24/10/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An cũng chỉ rõ: Việc thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao cần tập trung vào các vấn đề: cơ chế thu hút và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, lựa chọn chương trình dạy học phù hợp, hiệu quả; phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục, giảng dạy, học tập.

Các trường được lựa chọn thí điểm sẽ là trường nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, thông qua việc triển khai thí điểm để xác lập mô hình thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới công tác quản lý, quản trị trong trường học…

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc đầu tư cho các trường trọng điểm, chất lượng cao là cần thiết hiện nay để theo kịp với xu thế phát triển và đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của giáo dục, đặc biệt là chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh này không đánh đồng việc xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao với trường chuyên, lớp chọn.

ly nhat quang.jpg

Một giờ học của thầy trò Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương) - một trong 9 trường THCS ở tỉnh Nghệ An sẽ triển khai thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao.

Mặc dù việc xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao là cần thiết, phù hợp với thực tiễn nhưng để có thể triển khai có hiệu quả, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn phải tiếp tục bàn bạc, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, ngành Giáo dục vẫn chưa xác định đầy đủ tiêu chí, tiêu chuẩn của trường trọng điểm chất lượng cao, các mục tiêu cụ thể về chương trình giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị. Trong khi đó, đây lại là cơ sở để xác định nhiệm vụ, trọng tâm, giải pháp, nguồn lực cần có để xây dựng trường.

Lãnh đạo các trường nằm trong kế hoạch “thí điểm” cũng cho rằng, khi đã là trường trọng điểm thì cần tạo điều kiện để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh, tuyển dụng cho các nhà trường; có cơ chế đặc thù để trường huy động nguồn lực đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, có cơ chế chính sách để thu hút giáo viên, sinh viên giỏi về công tác.

Hoàng Lam

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm