Nghệ An: Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số học nghề
(Dân trí) - Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có hơn 175.500 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo.
Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 175.500 đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 11 huyện miền núi, chiếm 48,7% của cả tỉnh. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu đạt 55% (tỉ lệ này toàn tỉnh là 65%), đạt chỉ tiêu đưa ra theo Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An.
Nếu như năm 2015, tỉ lệ có việc làm sau đào tạo nghề vùng dân tộc miền núi Nghệ An mới chỉ có 17% thì đến năm 2020 đã đạt 84,7%, riêng trình độ trung cấp nghề đạt trên 94%. Trong 5 năm qua 69.200 người vùng dân tộc và miền núi được giải quyết việc làm, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 26.560 người.
Có được kết quả trên, theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, tất cả chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm người lao động ở vùng dân tộc thiểu số miền núi của Trung ương và của tỉnh đã được thực hiện tốt.
"Về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 11.100 người thì đồng bào dân tộc miền núi có 6.158 (55,47%). Có 6.750 người dân tộc thiểu số trên tổng số 15.795 người được miễn giảm, cấp bù học phí theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ.
Riêng về chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 15/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Nghệ An có 5.806 người thì đối tượng là người dân tộc thiểu số có tới 5.194 người, chiếm đến 89,5%.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 7.038 người dân tộc thiểu số được thụ hưởng, chiếm 33,3%, cụ thể đối với bậc cao đẳng được hỗ trợ 8 triệu, trung cấp 7 triệu, sơ cấp là 2,1 triệu", ông Đoàn Hồng Vũ thông tin.
"Để làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, xóa việc coi trọng bằng cấp, trông chờ ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, chống di cư tự do, làm tốt công tác khảo sát cung cầu lao động, tổ chức tốt các phiên hội chợ việc làm, giao dịch việc làm tại các huyện miền núi.
Cần tạo điều kiện cho các sở sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của doanh nghiệp, của cả hệ thống chính trị trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi", ông Đoàn Hồng Vũ cho hay.