Học sinh đạt IELTS 7.0 nhưng kiểm tra trên lớp chỉ được... 4-5 điểm
(Dân trí) - Chị Loan, một giáo viên THPT ở Hà Nội, ngỡ ngàng khi học sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0 nhưng bài kiểm tra trên lớp lại có điểm dưới trung bình.
Theo nữ giáo viên ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), lâu nay chị vẫn nghe dư luận râm ran chuyện học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS ở mức cao nhưng không làm tốt bài kiểm tra trên lớp.
Song, chị chỉ thực sự tin khi có học sinh trong trường hợp này. Đợt kiểm tra vừa qua, bài làm của một nam sinh có IELTS 7.0 chỉ đạt 4 điểm.
"Quá trình giảng dạy tôi cũng bất ngờ khi em học sinh đó đạt IELTS 7.0. Tuy nhiên trình độ trên lớp của em chưa thực sự tương xứng với kết quả IELTS đó. Kết quả học của em này chỉ ở mức khá. Đến khi kiểm tra có lẽ do cộng thêm chủ quan nên điểm dưới mức trung bình", chị Loan (*) chia sẻ.
Đây cũng là câu chuyện của con trai chị Phạm Thị Huyền đang học lớp 10 một trường trung học phổ thông (THPT) công lập tại Hà Nội đã được báo Dân trí phản ánh trước đó. Trong kỳ thi IELTS vào tháng 3 năm ngoái, con chị đạt 6.5 điểm nhưng kết quả thi học kỳ I chỉ 6 điểm .
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Hương Fiona), giảng dạy tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi, thừa nhận không ít học viên của mình có điểm IELTS 6.0-6.5 nhưng đến khi học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng "lơ ngơ", nhầm lẫn lung tung.
Theo nữ giáo viên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trên như các bạn kiến thức thực sự chưa vững hoặc có tâm lý đã đạt điểm IELTS cao nên chủ quan, không tiếp tục rèn luyện.
Dạng đề thi của IELTS và kiến thức học bậc phổ thông có những điểm khác nhau.
"Sau một thời gian dài các bạn luyện thi IELTS thì khi quay lại học bình thường sẽ bị quên hoặc nhầm lẫn. Song, đây cũng chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả trường hợp đều vậy", chị Hương nói.
Trước thực tế nhiều đơn vị xem trọng kết quả thi IELTS, coi nhẹ điểm thi môn tiếng Anh của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp..., chị Hương nhận định điều này chưa công bằng.
"Để đạt điểm 10 môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT không dễ dàng, ngay cả học sinh học tốt, có trình độ IELTS 7.0-7.5 cũng chưa chắc làm được. Rõ ràng trào lưu chạy đua theo IELTS chưa được công bằng với những học sinh không có điều kiện học và thi chứng chỉ này", chị Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định.
Hiện tượng "chạy đua" IELTS lâu nay xuất phát từ việc nhiều trường tuyển sinh đầu cấp lớp 6, 10 và vào đại học ưu tiên, xét tuyển thẳng thí sinh có điểm thi chứng chỉ IELTS cao.
Chị Thanh Hương cảnh báo hiện tượng nhà nhà, người người đổ xô đi học IELTS sẽ gây lãng phí và áp lực cho các em.
"Bạn nào có nền tảng tốt hoặc có nhu cầu thực sự để đi du học IELTS hãy nên đầu tư. Song có những em năng lực ngoại ngữ cũng như hiểu biết xã hội chưa đến mà cố "chín ép" sẽ tạo áp lực lớn.
Nhiều gia đình bỏ khoản tiền lớn cho con "chạy đua" nhưng không được gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, phụ huynh cần tỉnh táo chọn lựa phù hợp", chị Thanh Hương bày tỏ.
Anh Luyện Quang Kiên (Hà Nội), người đầu tiên ở Việt Nam đạt điểm thi IELTS 9.0 cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, cũng chỉ ra hệ lụy nhiều học sinh và phụ huynh chạy theo điểm số IELTS và quên đi mục đích chính của việc học ngoại ngữ là thực sự sử dụng được trong giao tiếp hàng ngày và công việc.
"Nhiều học sinh đạt được mức điểm nhất định nào đó rồi có tâm lý ngừng trau dồi hàng ngày, dẫn đến nhanh chóng quên kiến thức, không dùng được trong cuộc sống và phải tốn công sức, tiền để học lại khi cần phải thi lấy chứng chỉ", anh Kiên cho biết.
Anh Luyện Quang Kiên khuyên độ tuổi được khuyến khích tham gia bài thi IELTS là từ 16 trở lên, tuy nhiên học sinh có thể tiếp cận và học định hướng cho bài thi này khoảng 1-2 năm trước đó.
* Tên giáo viên đã được thay đổi.