Ngành Sư phạm giảm sức thu hút với thí sinh

Ghi nhận tình hình đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2010 cho thấy thí sinh ngày càng quay lưng với ngành Sư phạm. Điều này cũng có nghĩa là sẽ khó thu hút được sinh viên giỏi và khó có được thầy giỏi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Sự lựa chọn cuối cùng

Xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh năm nay vẫn là “nhất kinh tế, nhì công nghệ...”, ngoài ra mới là Sư phạm. Thống kê từ nhiều trường THPT đã cho thấy xu hướng này. Ví dụ Trường THPT Trưng Vương - TPHCM nhận được 1.600 hồ sơ của học sinh thì đa số chọn thi nhóm ngành Kinh tế,  chỉ có 17 hồ sơ nộp vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM, vài hồ sơ vào ngành Sư phạm của Trường ĐH Sài Gòn. Riêng Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương TPHCM thì không có học sinh nào nộp vào.

Còn Trường THPT Marie Curie - TPHCM nhận được hơn 2.400 hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh thì chỉ có khoảng 40 hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm của các trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn và CĐ Mẫu giáo Trung ương TPHCM.  
 
Ngành Sư phạm giảm sức thu hút với thí sinh  - 1
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2010 tại Sở GD-ĐT TPHCM.

Thống kê từ hơn 20.000 hồ sơ đăng ký dự thi gửi về Văn phòng Tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cũng cho thấy nhóm ngành Sư phạm đứng cuối cùng trong các ngành nghề, sau cả nhóm ngành xã hội (chiếm 5% hồ sơ). Trong khi nhóm ngành Kinh tế - tài chính dẫn đầu (chiếm 60% hồ sơ), kế đến là nhóm ngành Kỹ thuật - công nghệ (khoảng 30% hồ sơ). 

Trong khi đó, số hồ sơ nhận trực tiếp tại các trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn, đa phần nộp vào các ngành ngoài Sư phạm.

Nhiều nhà giáo dục đang lo sự trở lại của việc chọn ngành theo kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” tồn tại cả một thời gian dài trước khi có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Lo lắng chất lượng người thầy
 
Khi sự thu hút giảm thường đồng nghĩa với việc khó thu hút được học sinh giỏi thi vào. GS Văn Như Cương lo lắng: “Một hiện tượng cần lưu ý là điểm tuyển sinh ở các trường sư phạm có xu hướng ngày càng giảm. Trong khi đã có thời kỳ các trường này tuyển được nhiều học sinh khá giỏi”.

Phía Bắc, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn nhiều ngành giảm dần trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể điểm chuẩn các ngành trong 3 năm 2007, 2008, 2009 giảm như sau: Sư phạm toán học: 23 - 18 - 20; sư phạm vật lý: 21,5 - 21 - 17; sư phạm hóa học: 23,5 - 18,5 - 20; sư phạm sinh học: khối A: 20 - 18,5 - 17, khối B: 23 - 23 - 20.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2009 nhiều ngành như Hóa học, Sinh học có điểm chuẩn chỉ 16; tin học 16,5.

Phía Nam, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có điểm chuẩn giảm dần trong 3 năm 2007, 2008, 2009, như Sư phạm toán học: 22,5 - 20,5 - 21; Sư phạm vật lý: 22 - 16,5 - 18,5; Sư phạm tin học: 17 - 16 - 15,5; Sư phạm hóa học: 22,5 - 20,5 - 21; Sư phạm sinh học: 22 - 20,5 - 18.

Đáng chú ý là nhiều trường sư phạm trong cả nước phải tuyển cả nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mới đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo phân tích của các trường sư phạm, lý do được miễn học phí xem ra vẫn chưa đủ thu hút học sinh giỏi khi lương giáo viên hiện nay vẫn chưa hấp dẫn, ra trường lại khó tìm việc...

“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cần phải có thầy giỏi, muốn vậy các trường sư phạm phải thu hút được nhiều học sinh khá giỏi. Chúng ta cần có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hơn nữa để làm được điều đó” - GS Văn Như Cương đề nghị.
 
Theo Hoài Ân
Người Lao Động