Ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao
(Dân trí) - Dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân. Hiện nay, nguồn nhân lực Việt Nam trình độ cao lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng, không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
GS.TS. Trần Văn Chứ- Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn: “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội.
Việt Nam có lợi thế rất lớn về rừng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. 61/63 tỉnh/thành phố đều có rừng, với hơn 14,4 triệu ha rừng, chiếm 41,65% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao, cả ở thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 9,38 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng nông sản.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về kim ngạch; chiếm 6% thị phần và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín thế giới.
Về chỉ tiêu cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phấn đấu đạt ở mức cao hơn kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Đến năm 2020, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 12-13 tỷ USD, năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Hiện nay, ngành mới chỉ đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất lao động chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động chưa tốt.
Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng, đảm bảo yêu cầu về chứng chỉ phát triển rừng bền vững còn nhiều khó khăn; tính liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường còn yếu; công nghệ và quản trị doanh nghiệp, giá cả và mẫu mã chưa cạnh tranh…
Chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn, GS Trần Văn Chứ cho biết, để ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản phát triển, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ chủ trương, chính sách đến triển khai cụ thể các nhiệm vụ. Nhưng để phát triển bền vững, bứt phá, phải tác động vào các khâu trọng yếu, là nút thắt – rào cản của ngành, là cơ chế, chính sách; nguồn nguyên liệu; công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với cơ sở đào tạo, chúng tôi kính mong Thủ tướng và Chính phủ nhanh chóng đưa ngành Lâm nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản nói riêng là một trong những ngành kinh tế cần được đầu tư trọng điểm. Trong đó, lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho ngành cũng được quan tâm đặc biệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm áp dụng một số công cụ chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành và hạn chế nút thắt, như: nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý quốc gia cho tương thích với các hiệp định về thương mại gỗ mà Việt Nam đã ký, cũng như các hệ thống tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc gia tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế là FSC/PEFC.
“Hạn chế xuất khẩu gỗ xẻ và dăm thô bằng sử dụng các công cụ thuế; xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực quản trị cho ngành; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu gỗ Việt; Hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng…” – GS Chứ đề xuất.
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam
Phóng viên: Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vươn tầm thế giới như vậy của Chính phủ, liệu nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có đủ trình độ đáp ứng nổi không thưa GS?
GS Trần Văn Chứ: Hiện cả nước có khoảng 4500 doanh nghiệp, trong đó có 1863 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 700 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.
Cả nước có 4 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản (CBLS) là ĐH Lâm Nghiệp VN, ĐH Nông lâm Thủ Đức, ĐH Nông lâm Huế và ĐH Sư phạm KTTP HCM với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.
Hiện kỹ sư CBLS, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1-2%; 20-30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70-80%) chưa qua đào tạo.
Phải nói rằng ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao. Công nghệ chưa tiên tiến, lao động phổ thông nhiều nên năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU).
Dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân; đến năm 2025 cần 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân.
Công nghệ cao bắt buộc các dây chuyền sản xuất sẽ tự động hoá, điều khiển số và áp dụng trí tuệ nhân tạo và đương nhiên sẽ đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao.
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam về nguồn nhân lực càng khốc liệt. Các doanh nghiệp có lao động không qua đào tạo, không có chứng chỉ nghề sẽ gặp rủi ro khi Việt Nam gia nhập CPPP.
Phóng viên: Cạnh tranh nguồn nhân lực khốc liệt như vậy, theo GS giải pháp nào để có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế?
GS Trần Văn Chứ: Theo tôi có 3 giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực CBLS chất lượng cao đáp ứng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng: kỹ thuật, xã hội và nhận thức; đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.
Thứ hai, tập trung xây dựng các trường đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về Lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao như các nước tiên tiến. Nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ NN&PTNT.
Chuẩn hóa chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng. Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi, các kỹ năng mềm để thích ứng trong môi trường công nghiệp hiện đại 4.0, gắn với doanh nghiệp và triển khai nhiều học kỳ tại doanh nghiệp.
Thứ ba, coi trọng và tạo dựng một bước tiến mới trong công tác đào tạo nghề. Phải xác định rõ, đào tạo nghề là loại hình phát triển nguồn nhân lực quan trọng trong chiến lược của Ngành. Nhanh chóng loại bỏ những bất cập trong đào tạo nghề hiện nay.
Thiết kế tổng thể về mục tiêu, chương trình đào tạo trên cơ sở khoa học xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo; đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động.
Phóng viên: Đó là chiến lược dài hơi, vậy việc bứt phá, có thể làm ngay hiện nay để đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế, theo GS là gì?
GS Trần Văn Chứ: Phối hợp với các hiệp hội CBG tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo về gỗ hợp pháp cho các doanh nghiệp, chủ rừng theo hiệp định VPA-FLEGT với châu Âu. Đào tạo, tư vấn cấp quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng CoC.
Đào tạo quản trị công nghệ hiện đại và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ sư, lao động trong các doanh nghiệp.
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao chất lượng, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho chế biến gỗ.
Về phát triển công nghệ, để có bứt phá cho ngành, không chỉ nhập khẩu công nghệ và thiết bị nước ngoài, mà phải có đột phá trong phát triển KHCN trong nước. Và nhất định phải tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Ở nước ngoài điều này là máu thịt để tạo đà phát triển, còn Việt Nam chưa được chặt chẽ do nhiều nguyên nhân trong đó có lỗi nhiều của các nhà khoa học chỉ lí thuyết và khó áp dụng.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Nhật Hồng (thực hiện)