Ngành giáo dục tích cực triển khai Open Office

(Dân trí) - Chuẩn bị cho năm học 2008-2009 là “Năm học Công nghệ thông tin”, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục cần triển khai ngay các phần mềm mã nguồn mở trong công tác dạy học chính thức trong trường phổ thông và trong công tác quản lý.

Khai thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là một chủ trương lớn của Nhà nước. Vì vậy cộng đồng phần mềm mã nguồn mở lâu nay đã tích cực triển khai nhiều hoạt động.

Hiện nay toàn bộ các máy tính của các cơ quan Đảng đã được chuyển sang dùng bộ phần mềm văn phòng Open Office. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Hội đồng tư vấn và sẽ có hướng dẫn việc dùng Open Office trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong thời gian tới đó là thay đổi thói quen sử dụng bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office bấy lâu nay sang bộ phần mềm văn phòng Open Office. Đây cũng chính là một trong những định hướng hoạt động thi đua về công nghệ thông tin của ngành giáo dục trong những năm tới.

Để làm rõ thêm chủ trương này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT.

Thưa ông, năm học 2008-2009 sẽ là “Năm công nghệ thông tin” của ngành giáo dục. Vậy việc triển khai sử dụng các phần mềm mã nguồn mở là nhằm mục đích gì?

Như chúng ta đã biết hiện nay các phần mềm chúng ta đang sử dụng trong nhà trường đều chưa phải đóng phí nhưng thời gian tới mọi chuyện sẽ thay đổi. Các phần mềm sử dụng đều phải đóng phí bản quyền.

Nếu chúng ta phải mua bản quyền phần mềm cho việc sử dụng giảng dạy trong nhà trường thì chi phí ngành giáo dục bỏ ra là rất lớn. Do đó việc sử dụng các phần mềm miễn phí, song vẫn đáp ứng nhu cầu dạy học và sử dụng hàng ngày, sẽ là chủ trương lớn của ngành trong thời gian sắp tới. Rất may là các phần mềm như Open Office hay Star Office đều đáp ứng tốt nhu cầu.

Có một điều quan trọng là nhu cầu học và dùng của sinh viên, giáo viên tuyệt đại đa số dừng ở mức cơ bản, không đòi hỏi học hết, dùng hết các tính năng.

Thưa ông, vậy điều khó khăn khi sử dụng các phần mềm mã nguồn mở hiện nay là gì?

Theo tôi thì chẳng có khó khăn khi sử dụng các phần mềm mã nguồn mở. Những người đã từng sử dụng các phần mềm trước đây hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng các phần mềm mở mà không mất nhiều thời gian.

Có thể nói các tính năng cơ bản và hình dáng của các phần mềm văn phòng là đều na ná nhau. Vì vậy trên thực tế, thay đổi thói quen này là nhỏ. Mọi người có thể dễ dàng sử dụng phần mềm Office mới. Thâm chí bộ phần mềm King Office miễn phí thì có menu giống hệt MS Office.

Điều khác biệt rõ ràng nhất chỉ là tên gọi của các công cụ trong phần mềm. Ví dụ như ở trong bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office thì soạn thảo văn bản là Word còn bộ phần mềm văn phòng Open Office là Writer…

Nhưng hiện nay một số phần mềm mã nguồn mở, trong đó có Open Office đã được Việt hoá thì liệu những khó khăn trên có còn là trở ngại?

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy không cần thiết Việt hoá các menu của các phần mềm này. Thực tế đã chứng minh điều đó.

Thứ nhất: Kinh nghiệm cho thấy tất cả người sử dụng Việt Nam không thấy có vấn đề gì với menu là Tiếng Anh.

Thứ hai: Để nguyên giao diện bằng Tiếng Anh sẽ làm cho người Việt có thói quen sử dụng Tiếng Anh được tăng cường.

Thứ ba: Chúng ta không nên tốn kém vào những thứ mà người sử dụng không thích.

Ông có nhắn nhủ gì đối với những người sử dụng phần mềm công nghệ hiện nay, đặc biệt là tầng lớp giáo viên, sinh viên và học sinh?

Tôi hi vọng người sử dụng phần mềm cần phải biết tôn trọng luật bản quyền bên cạnh việc không ngừng khai thác ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở. Điều này còn có lợi cho sinh viên CNTT nước ta là làm thêm những phần giá trị gia tăng để có đóng góp cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm