Quảng Trị:

Ngăn kênh thủy lợi dạy bơi cho học sinh vùng lũ

(Dân trí) - Không có điều kiện học tại các bể bơi quy mô lớn như học sinh thành thị, các em học sinh vùng nông thôn tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được trang bị kỹ năng bơi lội tại các bể bơi di động, thậm chí học trong không gian dã chiến như ngăn sông, kênh thủy lợi…

Sáng kiến dạy bơi trên đang được áp dụng thời gian gần đây, do Tổ chức Tầm nhìn thế giới - Chương trình phát triển vùng Hải Lăng phối hợp với chính quyền và tổ chức đoàn thể các địa phương thực hiện.

Tại huyện Hải Lăng, có rất nhiều sông, suối, hồ, ao. Diện tích mặt nước rộng làm tăng nguy cơ về đuối nước ở trẻ em. Nhiều vụ tai nạn đuối nước đã xảy ra với trẻ em. Vì thế, tử vong do đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh cho không ít bậc cha mẹ.

Tập bơi trên đoạn sông cạn được ngăn lại (Ảnh: TNTG)
Tập bơi trên đoạn sông cạn được ngăn lại (Ảnh: TNTG)

Các em học sinh được học bơi tại một đoạn kênh thủy lợi (Ảnh: TNTG)
Các em học sinh được học bơi tại một đoạn kênh thủy lợi (Ảnh: TNTG)

Bên cạnh đó, có những địa phương thuộc vùng thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập lụt về mùa mưa. Trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra, việc trang bị kỹ năng bơi lội, giúp các em có thể tự cứu mình là điều cần thiết.

Nhờ sáng kiến này mà hàng trăm em học sinh vùng nông thôn thuộc các địa phương tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được rèn luyện kỹ năng bơi lội để có thể phòng tránh nguy cơ đuối nước.

Do không biết bơi nên khi nghe có lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em, em Lê Minh Quân (13 tuổi, ở thôn 4, xã Hải Thiện) mạnh dạn đăng ký học. Chỉ trong 10 buổi học, Quân đã biết bơi.

Em Quân cho biết: “Quê cháu hay có mưa lũ, do không biết bơi nên cháu rất sợ xuống nước. Nhưng từ khi cháu học bơi, cháu có thể bơi được, cảm thấy thích thú về việc học bơi. Các thầy cô ở đây dạy cho cháu kỹ năng bơi cần thiết, giúp cháu yên tâm hơn để tránh khỏi đuối nước”.

Giáo viên hướng dẫn kỹ năng cho các em
Giáo viên hướng dẫn kỹ năng cho các em

Cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của phụ huynh, sự hướng dẫn tận tình của giáo viên đã giúp các em được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, phòng tránh tai nạn, giảm thiểu nguy cơ đuối nước. Đây là cách làm hay mà các địa phương vùng nông thôn có thể thực hiện vì sự an toàn của trẻ nhỏ.

Môi trường dạy bơi cho các cháu tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, có thể là bể bơi di động, hoặc những khúc sông cạn, đoạn mương thủy lợi được ngăn lại.

Trong quá trình dạy bơi, vấn đề đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì là hồ bơi dã chiến được tạo từ việc ngăn kênh mương thủy lợi, sông hồ nên phải xem xét kỹ độ sâu, nơi dòng chảy yếu, nước trong và đặt phao cứu sinh xung quanh hồ.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế luôn sẵn sàng, ngoài các giáo viên dạy bơi còn có người giám sát trong suốt quá trình học của các em nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tư thế dùng tay bơi sải
Tư thế dùng tay bơi sải

Ông Đặng Bá Thanh, cán bộ dự án tại xã Hải Thiện cho biết, việc dạy bơi cho trẻ là rất cần thiết, đặc biệt đối với những địa phương vùng lũ, thấp trũng như ở Hải Lăng.

“Ở vùng này đến mùa mưa lũ, nước luôn ngập nên nguy cơ đuối nước với trẻ rất lớn. Việc hỗ trợ về kỹ năng bơi cho trẻ là rất tốt. Năm nay chúng tôi đề nghị với chương trình thuê bể bơi ở thị trấn nên trẻ tập trung bơi rất tốt, gia đình cũng hoan nghênh”, ông Thanh nói.

Trong dịp hè năm nay, Tổ chức TNTG đã phối hợp với đoàn thể các địa phương tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại 7 xã vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Do thiếu kinh phí xây dựng bể bơi, đơn vị đã ngăn các dòng kênh thủy lợi, các đoạn sông cạn đảm bảo an toàn để dạy cho các em kỹ năng sinh tồn dưới nước.

Lớp học tại bể bơi di động (Ảnh: Đăng Đức)
Lớp học tại bể bơi di động (Ảnh: Đăng Đức)

Thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, phụ trách dạy bơi cho biết, có 14 lớp dạy bơi, mỗi lớp có 30-35 trẻ. Trong 15 buổi học, ngoài lý thuyết, trẻ sẽ được tập làm quen với kỹ thuật đạp chân dưới nước, quạt tay trên cạn kết hợp tập thở, tập thở dưới nước, sơ cấp cứu đuối nước, cứu đuối an toàn.

Trước khi bắt đầu học, trẻ được khởi động kỹ, bể bơi dã chiến được kiểm duyệt độ an toàn, vệ sinh nhằm đảm bảo tối đa cho trẻ.

Thầy Lợi nói: “Biết bơi là một kỹ năng sống cơ bản, các thầy dạy các em kiểu bơi cơ bản nhất là kiểu bơi đường sấp, sau đó trong quá trình dạy có hỗ trợ các em cách tiếp xúc nước như thế nào, lên xuống nước, các kỹ năng tự cứu đuối mình hay xử lý đối với trường hợp khác bị đuối nước”.

Đăng Đức - Hồ Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm