Nguyên hiệu trưởng ĐH LĐXH:

"Nếu có sai phạm, tôi xin chịu trách nhiệm!"

(Dân trí)- “Tôi mong Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm có kết quả thanh tra để lấy lại công bằng cho nhà trường. Nếu thực sự có sai phạm, tôi sẽ chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Những cá nhân trực tiếp sai phạm thì cần xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật…”.

"Nếu có sai phạm, tôi xin chịu trách nhiệm!" - 1
Ông Nguyễn Tiệp (ảnh), nguyên hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội (LĐXH) đã thẳng thắn trả lời với báo chí trong sai phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh năm 2009 – 2010 của trường ĐH Lao động – Xã hội.

Trước sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh của ĐH Lao động Xã hội mà dư luận phản ánh, Bộ LĐ, TB & XH đã ban hành Quyết định 1181/QĐ-LĐTBXH về việc ông Nguyễn Tiệp - hiệu trưởng ĐH LĐXH thôi điều hành Trường ĐH LĐXH từ ngày 1/10/2011. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB & XH, sẽ kiêm nhiệm vị trí này trong thời gian tới.

Trả lời về những sai phạm trong tuyển sinh của trường ĐH LĐXH mà báo chí nêu, ông Nguyễn Tiệp nói: “Tôi xin khẳng định điều đó là không có bởi quy trình xét tuyển được nhà trường thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Sau khi hoàn thành khâu xét tuyển còn phải kiểm dò, gửi danh sách thí sinh trúng tuyển về trường các em dự thi để xin xác nhận và kiểm tra lại một lần nữa bằng phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.

Bên cạnh đó, ông Tiệp cũng cho rằng nhiều trường hợp bị nghi tuyển sinh sai quy chế là những trương hợp đào tạo theo địa chỉ sử dụng. “ĐH LĐXH còn đào tạo theo địa chỉ sử dụng (áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh có điểm ưu tiên cao hơn). Trong năm 2010, Tổng Liên đoàn lao động và quân khu 4 chọn những thí sinh thuộc diện này rồi gửi xuống trường đào tạo” - ông Tiệp dẫn chứng.

Để minh chứng cho những việc làm của mình là không sai phạm, ông Tiệp còn lý giải, mỗi thí sinh có quyền được nộp tới 4 bộ hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chỉ được thi một trường nên 3 trường còn lại là ảo. Nếu chỉ kiểm tra một trường không thấy tên thí sinh mà kết luận em ấy không thi đại học là không đúng. Về khối thi, mỗi thí sinh có thể thi 2 khối, nếu chỉ xác minh một khối rồi kết luận cũng là vội vàng. Mặt khác, nhiều sinh viên của trường thuộc diện cử tuyển, đúp từ khóa trên xuống, hay học hệ trung cấp nên không có điểm dự thi đại học là đương nhiên.

Lý giải về trường hợp 4 thí sinh tuy đã có quyết định thôi học nhưng vẫn đến lớp bình thường, ông Tiệp kể lại: “Đầu năm 2010, có đơn tố cáo về việc tuyển sinh của trường, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra trong 6 tháng. Kết quả phát hiện 4 thí sinh năm 2009 sử dụng giấy xét tuyển không hợp pháp để làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng 2, trong đó 2 em sửa đối tượng dự thi và hai em sử dụng giấy chứng nhận giả (photo màu)”.

Sau khi có kết quả điều tra, ĐH LĐXH đã xử lý theo quy chế hiện hành, buộc thôi học đối với 4 sinh viên sai phạm. Tuy nhiên, sau đó những sinh viên này có đơn khiếu nại rằng không hề làm sai mà lỗi tại trường các em dự thi đã đánh máy sai. Trước tình hình như vậy, ĐH LĐXH lại cho xác minh lại. Trong thời gian đó, các em vẫn đến lớp học bình thường để chờ kết quả. Và khi chúng tôi chưa kịp xác minh lại thì xảy ra chuyện này.

Ông Tiệp thanh minh : “Chúng tôi có lỗi là để thời gian xác minh hơi lâu, nhưng phải công bằng mà nói thi hành án nhiều khi cũng bị chậm cơ mà. Việc này lại liên quan đến tương lai của 4 sinh viên nên chúng tôi phải làm cẩn thận”.

“Tôi mong Bộ LĐ, TB & XH sớm có kết quả thanh tra để lấy lại công bằng cho nhà trường. Mặt khác, nếu thực sự có sai phạm, tôi sẽ chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Những cá nhân trực tiếp sai phạm thì cần xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật, sai đến đâu thì xử lý đến đó” - ông Tiệp thẳng thắn chia sẻ.

Tuy nhiên, kết thúc việc trao đổi ông Tiệp lại “bổ sung” rằng: “Tôi cũng tin rằng sai phạm trong tuyển sinh của trường nếu có cũng ở mức độ nhỏ chứ không lớn như báo chí đã nói”.

Phạm Hoàng