GS.TSKH Lâm Quang Thiệp:
Nên sử dụng “2 chung” và bỏ điểm sàn đại học!
(Dân trí) - Phát biểu tại buổi góp ý về cải tiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập tổ chức, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng: “Quy định điểm sàn là ảnh hưởng tới sự tự chủ của các trường, thiếu tính khoa học”.
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp.
Nói về khái niệm tự chủ tuyển sinh, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết: "Bộ GD-ĐT nói rất nhiều về Luật Giáo dục Đại học để thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh. Nhưng, tôi có cảm giác xã hội, các trường đại học, cao đẳng và cả ngay bộ hiểu hơi không chính xác khái niệm tự chủ tuyển sinh. Hơi nhầm lẫn".
GS Thiệp cho rằng, không nên nhầm lẫn hai khái niệm “tự chủ tuyển sinh” với “tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển sinh” vào trường ĐH. Hai khái niệm khác nhau. “Tự chủ tuyển sinh” - đó là quyền của trường đại học nhưng “Tự chủ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh” - đó không phải là tự chủ của 1 trường đại học mà trường đại học nào cũng nên làm.
“Một nước mà có quyền tự chủ rất cao là Mỹ nhưng không có bất cứ một trường đại học nào ở Mỹ tại tự tổ chức một kỳ tuyển sinh, không bao giờ. Tất cả các trường đại học Mỹ đều công nhận 2 dịch vụ tuyển sinh là SAT và ACT, các trường dựa vào đó để tuyển sinh chứ không trường nào tổ chức thi bởi vì tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh có chất lượng thực sự rất tốn kém, rất khó khăn. Không chỉ ở Mỹ mà một số nước tiên tiến như Nga, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… không có một trường đại học nào tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh” - GS Thiệp nói.
Phân tích về kỳ thi “3 chung”, GS Thiệp cho biết: “3 chung” có ưu điểm và nhược điểm lớn. Ưu điểm lớn là tạo sự công bằng, bình đẳng trong tuyển sinh. Bởi vì một học sinh nghèo ở tận tỉnh Cà Mau muốn vào ĐH Quốc gia Hà Nội học thì em học sinh đó chỉ cần đến 1 trường đại học nào đó ở gần nơi ở dự thi là được. Ngược lại kỳ thi “3 chung” có nhược điểm quy định điểm sàn là không đúng. Tôi nghĩ chúng ta nói “2 chung” là đúng hơn. Thi chung, chung đề là đúng còn sử dụng kết quả chung nên để cho từng trường tự quyết định. Còn quy định điểm sàn là ảnh hưởng tới tự chủ của các trường đại học, thiếu khoa học.
Thực ra, mỗi trường đại học tùy theo sứ mạng của họ, tùy theo các ngành nghề đào tạo như thế nào để tuyển chọn thí sinh... Ví dụ: trường này cần anh giỏi toán thì cần điểm toán và nhân hệ số lên, còn các điểm khác như điểm Hóa không cần lắm thì lấy điểm thấp hơn. Bởi về mặt khoa học, lấy 3 điểm (trong khối thi - PV), 3 điểm đó có sự phân bố khác nhau mà cộng lại là không đúng tính chất khoa học. Các trường tự làm việc đó, Bộ không nên can thiệp”.
Cuối bài phát biểu, GS Thiệp đề nghị: Thứ nhất, bỏ điểm sàn, bỏ khối ngành để các trường sử dụng điểm của kỳ thi chung của bộ và sử dụng điểm của các trường đại học khác nếu mà mình tín nhiệm; tùy theo môn để lấy hệ số thế nào để tuyển sinh theo kiểu của mình chứ bộ không nên quy định điểm sàn và cấm sử dụng kết quả khác hoặc cấm sử dụng kỳ thi của Bộ.
Thứ hai, lấy chuẩn tốt nghiệp THPT để vào đại học. Còn trường đại học chọn chuẩn cao hơn cho trường mình thì sử dụng cao hơn như biện pháp dùng số thí sinh dự kỳ thi của bộ để sơ tuyển chọn thí sinh vào trường mình.
Một số người nói nếu để các trường tự tuyển thì “vơ bèo vớt bọt” vào trường của mình làm chất lượng không đảm bảo. Theo tôi, Bộ yêu cầu các trường có phương án tuyển sinh như thế nào thì công bố công khai cho xã hội biết, xã hội kiểm tra, đánh giá, các trường tuyển thế nào.
Hồng Hạnh (ghi)