Nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bỏ là "thành chuyện"
(Dân trí) - Năm 2022, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 99,16%. Một số chuyên gia cho rằng, hiện tại vẫn nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT vì bỏ kỳ thi là "thành chuyện".
Ảnh hưởng dịch bệnh nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp trên 99%
Năm 2022, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt tới 99,16%. Cá biệt, có những địa phương điểm học bạ cao gần nhất nước nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT lại đội sổ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hai năm nay, nhiều tỉnh thành ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh lo lắng than trời vì học online chẳng đâu vào đâu, thế nhưng tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước vẫn chạm mốc gần 100%.
Cũng theo phân tích của thầy Bình, mới đây một số trường thông báo không xét tuyển học bạ vào trường: "Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao các trường không tin kết quả học bạ, phải chăng sự đánh giá học sinh ở cấp phổ thông vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáng tin cậy?
Trở lại kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT đã rất cố gắng để có kết quả đáng tin cậy nhất nhằm đánh giá kết quả 12 năm phổ thông của các em.
Với tỷ lệ đỗ cao như vậy, nếu thực chất thì quả là đáng mừng nhưng hãy so sánh điểm học bạ với điểm thi trong thời gian vừa qua, thực sự tôi chưa tin tưởng mấy vào kết quả ấy", thầy Bình nói.
Trên báo chí, TS Nguyễn Hoàng Chương cũng đưa ra câu hỏi: "Chúng ta chi tiền tỷ chỉ để gạt đôi ba học sinh yếu của mỗi trường liệu có quá tốn kém và phức tạp hay không, nên chăng cần trả kỳ thi này về đúng vị trí của nó"?
Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng, nói nôm na hiện nay chúng ta đã bỏ "thi tốt nghiệp tiểu học", không còn "thi tốt nghiệp cấp 2". Kỳ thi vào lớp 10 được gọi là tuyển sinh vào lớp 10, không gọi là "thi tốt nghiệp".
Nghĩa là hiện nay, chúng ta chỉ còn duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp vào cuối lớp 12 để đánh giá chất lượng giáo dục toàn bộ cấp THPT, để lấy làm thang đo mức độ học tập giữa các địa phương.
Vì vậy, cho dù có một lỗ hổng nào, chúng ta chỉ nên cố gắng chỉnh sửa, không vì thế mà bỏ cả kỳ thi được đánh giá tin cậy nhất hiện nay và được cả xã hội giám sát.
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên ở Hà Nội cho rằng, việc tổ chức kỳ thi đã được nêu ra trong Luật Giáo dục.
Thứ hai, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là kiểm tra chất lượng đầu ra của hệ giáo dục phổ thông.
Kỳ thi này nhằm đánh giá chất lượng đào tạo và so sánh giữa các địa phương, phân tích số liệu thu được để rút kinh nghiệm cho quá trình dạy học. Từ kết quả đó, chúng ta có thể hình dung ra bức tranh giáo dục Việt Nam nhằm đầu tư hoặc phấn đấu cho giáo dục.
Vì vậy, nếu nói tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp lên đến hơn 99% và không tổ chức kỳ thi nữa thì không đúng lắm.
"Kỳ thi này không phải để loại bỏ thí sinh, nếu muốn tỷ lệ tốt nghiệp còn 60-70% sẽ dễ dàng thôi bởi chúng ta có thể nâng các yêu cầu lên. Điều tôi muốn nói, có cần thiết phải làm như thế hay không và làm vậy để làm gì mới là vấn đề", thầy Ngọc nói.
Cũng theo thầy giáo này, hiện chúng ta không có kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp 1 và cấp 2. Riêng kỳ thi cuối lớp 9 được gọi là thi tuyển sinh vào lớp 10, không phải thi tốt nghiệp.
"Vì vậy, kỳ thi cuối lớp 12 là kỳ thi quốc gia cuối cùng và gần như duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu bỏ nốt kỳ thi này, tôi cho rằng không còn gì để đánh giá chất lượng giáo dục cấp phổ thông nữa.
Chúng ta hãy hình dung kỳ thi tốt nghiệp THPT như một quy trình sản xuất điện thoại chẳng hạn, nếu có một chi tiết nhỏ ở quy trình đó có lỗ hổng, tôi cho rằng vẫn tiếp tục thực hiện.
Với kỳ thi này, khi tổ chức, Bộ GD&ĐT có thể có sai sót nhưng nếu tính xác suất của cả nước thì sai sót đó cũng chỉ nhỏ thôi. Vì thế, quan điểm của tôi nên duy trì kỳ thi để biết chất lượng đào tạo như thế nào", thầy Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm với chuyên gia này, TS Lê Trường Tùng (Trường đại học FPT) cho rằng, thi tốt nghiệp THPT là cuộc thi chung của toàn quốc, là thước đo chung.
Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp không chỉ đơn thuần là để cấp bằng tốt nghiệp mà còn có số liệu đánh giá chất lượng của các địa phương, để Nhà nước có các chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh đầu tư giáo dục cho các địa phương cân bằng trong cả nước.
"Có người cho rằng, để đánh giá chất lượng của các địa phương có nhiều cách, tại sao cứ nhất thiết phải thi?
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, nếu không thi học sinh không chịu học và giáo viên không chịu dạy thì sao? Bài học từ điểm học bạ tăng vọt vừa qua là một thí dụ. Vì vậy, tôi cho rằng nếu lúc này bỏ thi tốt nghiệp THPT là… "thành chuyện".
Đặt trường hợp giao kỳ thi về cho các địa phương, tôi nghĩ tỷ lệ đỗ vẫn gần 100% nhưng chúng ta không thể so sánh giữa các địa phương.
Nếu tổ chức một kỳ thi chung, một đề thi chung dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì có cơ sở để đánh giá và so sánh giữa các địa phương", TS Lê Trường Tùng nói.