“Nên công khai kết quả kiểm định các trường ĐH”

(Dân trí) - Nên công khai kết quả kiểm định những yếu kém của các trường ĐH trên phương tiện thông tin đại chúng; lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về trường... thì giáo dục mới có chất lượng.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Drummond Bonne, Chủ tịch Ban cố vấn - Giám sát các chương trình Liên kết đào tạo Giáo dục ĐH Vương quốc Anh về công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tại Hội nghị “Hội nhập Quốc tế trong Giáo dục ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh” tổ chức tại Hà Nội ngày 16/10.
 
“Nên công khai kết quả kiểm định các trường ĐH” - 1

Giáo sư Drummond Bonne

Thưa ông công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Vương quốc Anh được thực hiện như thế nào?

QAA là cơ quan quản lý chất lượng giáo dục ĐH ở nước Anh thuộc Chính phủ Anh, thành viên cơ quan là những đại diện của các trường ĐH trong cả nước.

Ở Anh, một trường muốn thành lập và đi vào hoạt động chính thức, họ phải trải qua một quy trình dài mới có được một giấy phép hoạt động. Theo quy trình đó, các trường phải "chạy thử nghiệm" 1-2 năm chương trình hoạt động của mình.

Khi thực hiện kiểm định, nếu phát hiện ra những sai sót, hạn chế của các trường thì xử lý thế nào?

Tổ chức QAA đến thanh tra các trường ĐH, họ sẽ thanh tra rất nhiều nội dung và nếu phát hiện trường đó có vấn đề thì họ sẽ thanh tra kỹ hơn, cụ thể hơn tới từng môn học, giáo trình và họ sẽ làm việc với sinh viên.

Tuy nhiên, tổ chức này không bắt các trường đó ngay lập tức ngừng hoạt động mà họ sẽ công bố kết quả  trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi bị công bố trước công chúng những mặt yếu kém thì danh tiếng của trường đó sẽ bị ảnh hưởng nên các trường ĐH ở Anh rất cẩn thận.

Tổ chức QAA sẽ có những khuyến cáo và biện pháp cụ thể với từng trường để các trường tự sửa chữa. Trong trường hợp những trường nào không đồng ý với kết luận của thanh tra thì họ có thể phản ánh lại để tìm ra những biện pháp xử lý khác.

Tổ chức QAA tham khảo ý kiến của sinh viên như thế nào trong công tác kiểm định các trường ĐH?

Ở bên Anh hàng năm đều có điều tra, thăm dò ý kiến của sinh viên trên toàn quốc về những khóa học của trường vì chúng tôi cho rằng ý kiến của sinh viên rất quan trọng đối với các trường.  Trường ĐH nào mà bị sinh viên bỏ sang trường khác học thì trường đó bị ảnh hưởng uy tín rất lớn.

Ở Anh khác với Việt Nam, các sinh viên có rất nhiều trường ĐH để đăng ký học, thậm chí nhiều trường còn thiếu sinh viên cho nên danh tiếng của từng trường chi phối rất nhiều đến lựa chọn của sinh viên. Còn ở Việt Nam tôi thấy các trường không có đủ chỗ cho sinh viên học.

 Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH ở nước Anh?

Cái phương thức cổ xưa trong giảng dạy ĐH là giảng viên đứng trên bục giảng để giảng bài, có bao nhiêu kiến thức mang ra trình bày và bảo các sinh viên đọc sách. Hiện nay cách giảng của các trường ĐH Anh là đưa cho sinh viên các bài tập thực tế. VD: Kỹ sư thì họ đưa ra các thông số kỹ thuật của cầu và giáo viên yêu cầu sinh viên xây cầu như thế nào, có thể làm bài theo từng cá nhân hoặc theo nhóm; đối với ngành Y thì họ đưa ra một nhóm các triệu trứng bệnh và yêu cầu các sinh viên phải tìm ra bệnh gì. Sau đó, giảng viên sẽ phân tích cho sinh viên hiểu cái nào đúng, cái nào sai và làm thế nào để sinh viên có thể làm tốt hơn. Đây là phương pháp giảng dạy “động” sẽ có tương tác tốt giữa sinh viên và giảng viên.

Môi trường giảng dạy thì giống ở Việt Nam. Tức là ở phòng học rộng lớn, Giáo sư giảng cho nhiều sinh viên. Tuy nhiên, để sinh viên hiểu bài, lớp học sẽ chia thành nhiều nhóm và các trợ giảng của giáo sư sẽ giúp đỡ từng nhóm làm việc, hiểu bài tốt hơn.

Ông là Chủ tịch Ban cố vấn - Giám sát các chương trình Liên kết đào tạo giáo dục ĐH của Chính phủ Anh. Vậy theo ông làm thế nào để trường ĐH giữa 2 nước có mối liên kết hiệu quả nhất?

Khi liên kết, các trường cần phải có mục tiêu, kế hoạch đào tạo cụ thể, rõ ràng, đó là vấn đề quan trọng vì liên kết đào tạo nếu thành công mang lại lợi ích rất lớn cho sinh viên, giáo viên và cả 2 phía. Nhưng hoạt động của những dự án này, cần được quản lý một cách chặt chẽ thì mới mang lại hiệu quả như mong đợi.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh