Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh miền núi

Quốc Triều

(Dân trí) - Việc thực hiện bữa ăn bán trú giúp học sinh ở vùng cao Quảng Ngãi thuận lợi hơn trong việc học tập. Các em hứng thú hơn khi đến trường, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) là xã miền núi, đa số học sinh đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em luôn ở mức cao. Tuy nhiên, kể từ khi các điểm trường tổ chức bữa ăn bán trú, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm rõ rệt.

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh miền núi - 1

Bữa ăn bán trú tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, đồng thời giúp học sinh cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (Ảnh: Quốc Triều).

Bà Lê Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Thủy - cho biết, đầu năm học, nhà trường tổ chức khám sức khỏe, cân đo cho các cháu. Nhờ đó, nhà trường phát hiện nhiều em bị suy dinh dưỡng nhưng chưa được phụ huynh quan tâm, chăm sóc đúng cách.

Để giúp các cháu bổ sung dinh dưỡng, trường mầm non Trà Thủy đã tính toán thực đơn cho bữa ăn bán trú một cách hợp lý nhất. Thực đơn các bữa ăn được thay đổi giúp các cháu ăn nhiều hơn, cơ thể có thể hấp thu tốt hơn nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe.

 "Đầu năm học 2022-2023, trường có 41 trẻ suy dinh dưỡng; đến cuối năm, chỉ còn 25 trẻ. Nhiều trẻ khỏe hơn nhờ được chăm sóc đúng cách, ăn uống đầy đủ chất. Để có được kết quả này, nhà trường đã thay đổi thực đơn phù hợp, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong bữa ăn, các cô phụ trách lớp phải theo dõi, hỗ trợ các cháu", cô Dung cho biết.

Từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Theo đó, học sinh mẫu giáo khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng cho bữa ăn trưa.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại nhiều trường mầm non, phụ huynh còn đóng góp thêm để bữa ăn trưa của trẻ được đầy đủ, cải thiện hơn. Chẳng hạn như tại trường mầm non Trà Hiệp (huyện Trà Bồng), mỗi phụ huynh đóng thêm 110.000 đồng/tháng nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho con em.

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh miền núi - 2

Giáo viên vùng cao Quảng Ngãi chăm chút từng bữa ăn cho các em học sinh (Ảnh: Quốc Triều).

Tại huyện miền núi Sơn Tây, các bữa ăn bán trú cũng góp phần kéo học sinh đến lớp. Năm học 2023-2024, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua có 18 lớp với 438 học sinh. Trong số này có 200 học sinh bán trú.

Mặc dù trang thiết bị phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú còn thiếu thốn, song những bữa ăn của các em luôn đầy đủ các loại rau, thịt, cá. Thực đơn cũng thường xuyên thay đổi để đảm bảo khẩu phần và chế độ dinh dưỡng.

"Năm nay, em đăng ký ở lại trường, ở bán trú nên được học tập và vui chơi cùng các bạn nhiều hơn. Cơm trưa được thầy, cô chăm lo đầy đủ, ăn ngon nên em rất vui", em Đinh Thị Nguyên (lớp 8B) chia sẻ.

Vào mùa mưa, ở huyện Sơn Tây thường xảy ra lũ, sạt lở đất gây ách tắc, cô lập. Do đó con đường đến trường của nhiều học sinh càng thêm khó khăn. Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đồng thời cũng là động lực giúp học sinh nơi đây yên tâm bám trường, bám lớp.

"Học sinh của trường đi học đầy đủ. Để thực hiện được điều này, nhà trường chủ động trong việc tổ chức bán trú cho học sinh. Đến nay, gần 200 em ở xa được tổ chức ăn uống tại trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho học sinh cũng cơ bản đảm bảo", Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua Huỳnh Văn Thành cho biết.

Điều kiện kinh tế, xã hội ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn. Dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, hoặc đi học không đều. Từ khi mô hình trường học bán trú được triển khai đã hạn chế được tình trạng này. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa miền núi và đồng bằng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm