Nam sinh người Mông 29 điểm khối C - Niềm tự hào của cao nguyên đá
(Dân trí) - Vừ Mí Kỵ vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống để cố gắng học tập trở thành sinh viên trường Học viện An ninh nhân dân, đó hẳn là một điều đáng tự hào của gia đình, dòng họ Kỵ và cả xã Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang)
Vừ Mí Kỵ sinh năm 1996 là người dân tộc Mông, ở xã Sủng Là huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Sinh ra trên cao nguyên đá, Vừ Mí Kỵ là đứa trẻ đầu tiên của xã Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) đi học đại học khi thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân, đặc biệt số điểm mà em đạt được rất cao với 29 điểm khối C.
Kỵ nói rằng, ai cũng bảo cao nguyên đá Đồng Văn rất đẹp, Sủng Là quê em cũng nên thơ nhưng ẩn chứa sau đó là cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khốn khó, vất vả lắm. Đường đến trường của những đứa trẻ khát khao học tập như Kỵ vì thế càng gian nan, có lúc chênh vênh khi bước chân trên những chỏm đá tai mèo.
Ngay từ nhỏ em đã phải chịu sự thiệt thòi lớn khi mồ côi mẹ từ 3 tuổi, nhà có 8 anh chị em, gia cảnh nghèo khó. Mẹ mất lúc Kỵ 3 tuổi, để lại năm bố con nheo nhóc, chị lớn nhất 10 tuổi, em nhỏ nhất mới một tuổi. Bố Kỵ đi thêm bước nữa và sinh thêm 4 người con. Nhà đông con, cuộc sống gia đình Kỵ càng thêm nghèo đói, quanh năm chỉ với nương rẫy nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn vất vả.
Kỵ chia sẻ: “ Mẹ mất khi mình mới 3 tuổi nên mình cũng không nhớ mặt mẹ. Từ bé, mấy anh chị em ăn mèn mén thay cơm vì rẫy cằn cỗi quá chỉ trồng được ngô mà không trồng được lúa. Lúc đó, bọn mình chỉ mong nhanh đến Tết để được ăn cơm”.
Trong 8 anh chị em, chỉ có Vừ Mí Kỵ là được học hành đến nơi đến chốn. “Hiện mình có một em đang học lớp 1, một em đang học lớp 2, còn lại các anh chị em khác không được đến trường, ở nhà phụ giúp gia đình. Có hai chị lập gia đình khi 16 tuổi và giờ đã có con, cuộc sống khó khăn lắm”.
Lớp 1 và lớp 2, Kỵ học ngay ở trường làng nhưng khi lên đến lớp 3, cậu đi bộ 5 cây số mới đến trường ở trung tâm xã Sủng Là. Đường đi tới trường thì xa xôi, khó khăn nên Kỵ bắt đầu cuộc sống tự lập khi ở nội trú, cuối tuần mới về nhà.
Kỵ kể, cứ vào cuối tuần là đi bộ vượt những mỏm đá cheo leo về thăm nhà, thăm em, phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Có lần, trên đường về Kỵ sơ ý bị ngã, tay chân bị trầy xước rớm máu. Ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc người ngoài bản nên những năm học cấp 1, cấp 2, Kỵ phải vật lộn để học tiếng phổ thông.
Kỵ kể, cậu học tiếng Kinh từ lớp 1 nhưng ở nhà toàn nói tiếng Mông, bố mẹ, anh chị em không biết tiếng Kinh, trên lớp bạn bè cũng nói tiếng Mông nên đến đầu năm học lớp 9, Kỵ vẫn nói tiếng Kinh không sõi. Ở lớp, Kỵ phát biểu nhưng cô giáo không hiểu, đôi khi cậu phải viết ra giấy cho cô xem.
Tưởng chừng như những khó khăn khiến em gục ngã bỏ dở cái chữ nhưng trái lại Kỵ đã quyết tâm học tiếng Kinh, hằng ngày luyện phát âm và nhờ các bạn chỉnh sửa và từ đó khả năng nói tiếng Kinh của Kỵ ngày một tiến bộ.
Học lớp 9, Kỵ được chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và đoạt giải nhì. Khi chia sẻ với mọi người, đạt được thành tích như thế xuất phát từ sự yêu thích của em với môn học này, rằng môn lịch sử cho chúng ta biết cội nguồn lịch sử dân tộc.
Nhờ những thành tích học tập tốt của bản thân, Kỵ được xét tuyển vào Trường Vùng cao Việt Bắc, trường cách nhà hơn 350km trong khi đó gia đình kinh tế lại khó khăn không có điều kiện chu cấp nên chỉ vào dịp nghỉ hè và tết, Kỵ mới về thăm nhà.
Bước vào môi trường học tập mới với biết bao sự bỡ ngỡ khó khăn Kỵ chia sẻ: “Học ở Trường Vùng cao Việt Bắc, mình được miễn phí ăn, ở. Nhưng mỗi khi cầm bát cơm có thức ăn là mình lại rơm rớm nước mắt. Thương bố mẹ, anh chị em đang vất vả lao động, ăn mèn mén thay cơm, dành tiền để cho mình được ăn học, mình chỉ biết cố gắng học giỏi”.
Với sự cố gắng của bản thân, 3 năm học THPT, Vừ Mí Kỵ giành được 2 huy chương bạc tại kỳ thi Olympic duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và kỳ thi Hùng Vương, đoạt giải nhì cấp quốc gia môn Lịch sử. Đáng khâm phục hơn bản thân Ky từng ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo dạy Lịch sử, để mang cái chữ tới cho bản làng em giúp những người nghèo trong bản làng Kỵ được cắp sách tới trường.
Khi giành giải nhì quốc gia môn Lịch sử, Kỵ được tuyển thẳng vào khoa Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng đó là điều làm Kỵ trăn trở. Những năm học nội trú, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước nên cậu mới học xong lớp 12 mà không phải lo lắng chuyện tiền nong nhưng giờ lên thành phố học, gia đình sẽ không thể đủ tiền nuôi Kỵ.
Biết bao suy nghĩ cứ xen lẫn khiến cậu học sinh nghèo hết sức bối rối không biết phải làm sao, thương bố mẹ cuối cùng Kỵ làm hồ sơ thi vào Học viện An ninh Nhân dân vì nếu đậu trường này sẽ không phải lo ăn ở, sinh hoạt, ra trường được làm công an và nếu không thi đậu, Kỵ về quê làm rẫy.
Trước kỳ thi đại học, một mình Kỵ cầm theo 5 triệu đồng bố mẹ vay làm chi phí, bắt xe xuống Hà Nội thi đại học. Kỳ thi đại học đợt 2 bắt đầu từ 8/7, nhưng em xuống từ ngày 4/7 vì sợ không tìm được địa điểm thi và để tìm phòng trọ. Những khó khăn, cách trở cứ bám lấy em, lạ lẫm với thành phố lại mang trong mình sự kỳ vọng của gia đình bố mẹ càng làm Kỵ thêm quyết tâm hơn trong kỳ thi tới.
Ngày nhận được giấy báo nhập học, cậu được 23,5 điểm (Văn 7,5; Sử 8,5; Địa 7,5), cộng thêm 5,5 điểm ưu tiên (3,5 điểm cho học sinh vùng cao và 2 điểm học sinh giỏi quốc gia), Kỵ được tổng cộng 29 điểm, đỗ vào ngành Điều tra trinh sát của trường (lấy điểm chuẩn 21 điểm cho nam khối C).
Nhận được niềm vui, hạnh phúc lớn mọi người trong gia đình Kỵ ai nấy cũng đều vui mừng tự hào về người con người em trong gia đình mình. Bản làng cũng dường như rộn vang tiếng cười hơn khi làn đầu tiên trong xã có người đậu đại học. Nhận được giấy báo nhập học, lần này Kỵ vẫn một mình đi nhập học tự chuẩn bị mọi thứ cho mấy năm học viên sau này.
Nghe câu chuyện về em, người học sinh hiếu học Vừ Mí Kỵ mà bản thân tôi cảm thấy cảm phục, ngưỡng mộ em vô cùng. Chính em đối với bản thân tôi mà nói đã mang tới cho mình một cách suy nghĩ mới nhìn nhận lại bản thân mình.
Bài viết trích đăng từ câu chuyện của Vừ Mí Kỵ do Nhóm Trinh sát Học viện An ninh nhân dân viết. Câu chuyện được chia sẻ trên Facebook “Sinh viên Việt Nam – Những câu chuyện đẹp”. Trang mạng xã hội này do Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện nhằm tạo diễn đàn cho sinh viên, giới thiệu những câu chuyện đẹp, những việc làm tốt của sinh viên Việt Nam trong các lĩnh vực: học tập, rèn luyện, tài năng, nghị lực, ứng xử, sáng tạo, hoạt động tình nguyện, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, tham gia công tác Đoàn, Hội và các hoạt động xã hội khác.
“Sinh viên Việt Nam – Những câu chuyện đẹp” đăng tải những phát hiện của sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước về những hành động đẹp, có ý nghĩa với cộng đồng, đất nước, có giá trị giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống của sinh viên Việt Nam nói riêng và thế hệ trẻ.
Nhân vật trong các bài viết là sinh viên Việt Nam đang học tập ở trong và ngoài nước hoặc những tấm gương điển hình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội mà sinh viên biết.
Tác giả: Nhóm Trinh sát - Học viện An ninh nhân dân