Nam sinh khỏa thân trong học trực tuyến: Thiếu đạo đức, không thể chấp nhận

Văn Hiền

(Dân trí) - Hình ảnh nam sinh khỏa thân, đang có hành vi "bậy bạ" trong giờ học trực tuyến khiến giảng viên lên tiếng nhắc nhở đã gây "sốc" dư luận, nhiều sinh viên cho đó là hành động không thể chấp nhận được.

Ngày 28/6, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip của sinh viên N.V.T - Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có hành động khỏa thân và có hành vi như đang quan hệ với bạn gái.

Ngay sau đó, giảng viên làm chủ phòng học trực tuyến đã phát hiện, lên tiếng nhắc nhở và tắt kết nối với camera của sinh viên trên, tránh ảnh hưởng đến các thành viên khác trong lớp.

Nam sinh khỏa thân trong học trực tuyến: Thiếu đạo đức, không thể chấp nhận - 1

Hình ảnh nhỏ trong Clip.

Sự việc trên đã vô tình làm ngôi trường đó bị ảnh hưởng về danh tiếng mà còn mất đi phẩm chất đạo đức tốt đẹp của sinh viên Việt Nam.

Ngay sau khi đoạn clip được chia sẻ "rầm rộ" trên mạng xã hội, nhiều luồng ý kiến đến từ chính các sinh viên nói lên quan điểm cá nhân của bản thân.

Bạn Yến Chi (sinh viên năm 3, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) chia sẻ: "Đó là hành vi vô văn hóa, thiếu đạo đức của bạn sinh viên trong clip. Thầy dạy đã lớn tuổi nhưng phải tận mắt chứng kiến cảnh này trong chính giờ giảng của mình là điều không thể ngờ tới. Dù là cố tình hay vô tình nhưng hành vi sai trái trên cần phải được lên án để tránh có trường hợp tương tự không may xảy ra tiếp theo".

Bạn Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh viên năm 2, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) bày tỏ: "Tiên học lễ, hậu học văn. Cái lễ nghĩa, ý thức của người làm trò chưa hiểu thì việc học kiến thức đổ xuống sông, xuống biển. Tôi  không đồng tình với hành vi vô văn hóa của bạn nam trên và yêu cầu phải xử lý nghiêm để răn đe cảnh cáo đối với tất cả các sinh viên khác".

"Có lẽ do bản thân sống quá buông thả, có lối sống đạo đức không đúng đắn, chuẩn mực nên mới có sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra. Cá nhân mình thì không hoàn toàn nói trách nhiệm thuộc về bạn nam, nhưng 80% lỗi sai sẽ xuất phát từ chính bạn đó, điều này đang khiến cho chúng ta phải suy ngẫm về lối sống đạo đức của sinh viên hiện nay", bạn Trần Thu Hương (sinh viên năm 2, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ.

Bạn Hoàng Thị Huê (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại cho biết: "Chưa nói đến trách nhiệm thuộc về ai trong sự việc này, nhưng không thể nói đây là hành vi vô ý được. Bởi nếu vô ý thì tại sao lại có thể mây mưa trước camera của buổi học và hành động một cách rất tự nhiên như vậy được. Đây là hành vi thách thức đạo đức của bản thân, không thể cứ làm sai là xin lỗi và trình bày với lý do không cố ý như vậy được. Cần phải có những biện pháp xử lý thật nghiêm minh đối với hành vi này thì mới có thể ngừng xuất hiện tình trạng trên".

Tương tự, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền Nguyễn Hiền cho rằng, thỏa mãn nhu cầu cá nhân là việc làm không ai có thể ngăn cấm, nhưng xin đừng mang việc thỏa mãn nhu cầu lối sống tha hóa đó ảnh hưởng đến rất nhiều người ở phía sau. Không phải cứ sống buông thả tha hóa khi bị phát tán thì lại nói không biết, vô tình hay với bất kỳ một lý do biện minh nào khác.

"Mỗi sinh viên phải xác định rõ trách nhiệm trước bản thân và gia đình, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội" - Nguyễn Hiền nhấn mạnh.

Một phần lỗi thuộc về giảng viên?

Thầy giáo Nguyễn Việt Hoàng cho rằng: "Sự việc trên đã chỉ ra một điểm yếu rõ rệt và bất cập ngay trong việc học trực tuyến. Đó là khi giảng viên chăm chú vào bài giảng mà không có được sự quản lý bao quát lớp học, không biết sinh viên có còn ngồi trước màn hình để học hay không. Để rồi khi câu chuyện "sex trong khi học" đã xảy ra thì mọi việc cũng đã đi quá xa".

Thầy Vũ Thế Cường (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Từ sự việc đáng tiếc xảy ra này, các trường cùng với giảng viên phải có những biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến. Phải hiểu sinh viên mong muốn và cần điều gì khi học trực tuyến; thường xuyên tương tác trong giờ học với sinh viên, kiểm tra kiến thức đã học để nắm bắt tình hình".

"Để chuẩn bị cho hành trang vào đời, các bạn sinh viên không chỉ mang theo vốn kiến thức được học mà phải là người có đạo đức tốt, xứng đáng cương vị là một sinh viên, hay nói đúng hơn "trước khi thành tài thì phải thành nhân" - thầy Cường nhấn mạnh.

Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận vấn đề đạo đức sinh viên trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Cần phải đổi mới hoàn toàn cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên.