Nam sinh Hà Nội học trường 28 điểm đầu vào hai lần đạt giải quốc gia vật lý

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 12A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan - có hai năm liên tiếp đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn vật lý. Em từng có điểm thi đầu vào cấp 3 thấp.

Trượt trường chuyên, nam sinh "trường làng" được thầy hiệu trưởng phát hiện tài năng

Đội tuyển vật lý của Hà Nội dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 có duy nhất một học sinh "trường làng". Đó là em Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 12A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất. 

Sơn đạt 26 điểm, giành giải Nhì toàn quốc và đứng thứ 5 của đoàn Hà Nội. 19 thí sinh còn lại là học sinh chuyên của các trường: THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.

Đáng chú ý, đây là năm thứ hai Sơn đạt giải quốc gia. Năm học 2022-2023, Sơn thi vượt cấp và đạt giải Ba, cũng là học sinh "trường làng" duy nhất trong đội tuyển.

Nam sinh Hà Nội học trường 28 điểm đầu vào hai lần đạt giải quốc gia vật lý - 1

Em Vũ Thế Sơn tại lễ "xuất quân" của đoàn Hà Nội tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 (Ảnh: NVCC).

Người có công phát hiện và bồi dưỡng Sơn là thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan.

Sơn từng thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên nhưng không đỗ. Em đỗ vào trường huyện với số điểm không cao, không đạt mức điểm vào được lớp chọn của trường. 

Tuy nhiên, đầu năm học, theo chính sách do thầy Trung đưa ra, tất cả các học sinh đều làm một phiếu khảo sát về sở thích, năng lực, sở trường. Trong phiếu khảo sát của Sơn, thầy Trung nhìn thấy em từng có giải học sinh giỏi cấp thành phố môn vật lý. Vì vậy, thầy Trung vẫn quyết định cho Sơn làm riêng một bài kiểm tra tư duy. 

Sau khi Sơn vượt qua bài kiểm tra này, thầy Trung xếp Sơn vào lớp bồi dưỡng tài năng để giúp em phát huy được tối đa năng lực của mình. 

Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, thầy Trung đến trường làm việc tại phòng thí nghiệm vật lý. Tại đây, thầy kèm cặp trực tiếp Sơn cùng một vài học sinh có tố chất đặc biệt khác. Nhờ tư chất nổi trội, ngay trong kỳ đầu lớp 10, Sơn đã đạt giải Nhất môn vật lý lớp 11 cấp cụm Thạch Thất - Quốc Oai.

Một năm sau đó, thầy Trung đưa Sơn vào học chung nhóm 4 anh chị xuất sắc nhất lớp 12. Sơn tiếp tục thể hiện tài năng khi vượt qua các anh chị, giành giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia.

Thầy Trung cho hay, thành tích của Sơn có sự đóng góp của nhiều thầy cô. Các thầy cô dạy cho Sơn không chỉ ở Trường THPT Phùng Khắc Khoan mà còn gồm những giáo viên đã ôn luyện cho Sơn trong thời gian tập trung đội tuyển quốc gia môn vật lý của Hà Nội. 

Bên cạnh đó còn có những người thầy mà thầy Trung đã kết nối để dạy cho học trò của mình qua các hình thức trực tiếp lẫn online.

"Tôi không đủ năng lực để dạy học sinh đạt giải quốc gia. Đó là công của nhiều thầy cô khác và tôi rất biết ơn về điều này", thầy Sơn bộc bạch. 

Mẹ của em Vũ Thế Sơn chia sẻ, ngoài giờ học ở trường, Sơn có một nhóm bạn là học sinh các trường chuyên thường xuyên trao đổi thông tin, thảo luận bài vở, chia sẻ các tài liệu hay. Sơn học được rất nhiều từ các bạn.

Trừ thời điểm ôn thi tăng cường cho các kỳ thi, Sơn duy trì lịch học ổn định, đi ngủ vào 23h30 và giải trí với bóng đá. Sơn dự tính sẽ theo đuổi ngành tự động hóa ở bậc đại học. 

Thầy hiệu trưởng trẻ nhất Hà Nội tiết lộ bí quyết mang giải quốc gia về "trường làng"

35 tuổi, thầy Nghiêm Hồng Trung được bổ nhiệm vị trí hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan, trở thành hiệu trưởng trường THPT trẻ nhất của Hà Nội. 

Một trong những công tác mà thầy Trung tập trung đẩy mạnh ở cương vị hiệu trưởng là bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo quan điểm của thầy, chỉ cần mô hình chuẩn, phương pháp đúng, học sinh trường làng cũng có thể trở nên xuất sắc.

Thầy Trung bắt tay vào thực hiện giải pháp "mô hình chóp" bằng việc khảo sát sở trường của từng học sinh, sau đó nhóm học sinh vào các lớp theo đúng năng lực, thế mạnh.

Trong quá trình triển khai, thầy Trung giám sát sự phát triển, thích ứng của từng học sinh. Học sinh nào không phù hợp với thầy giáo phụ trách hoặc chưa có sự nỗ lực cần thiết sẽ được điều chuyển sang lớp khác. 

Nam sinh Hà Nội học trường 28 điểm đầu vào hai lần đạt giải quốc gia vật lý - 2

Thầy Nghiêm Hồng Trung và em Vũ Thế Sơn (Ảnh: NVCC).

"Tôi vẫn nói với các em rằng, không có thầy giáo nào đủ tốt cho mọi học sinh. Sẽ có học sinh phù hợp, có học sinh không. Nên nhiệm vụ của tôi là trao học sinh cho đúng người thầy phù hợp", thầy Trung chia sẻ.

Thầy Trung từng dắt tay con ra khỏi lớp định hướng chọn toán của trường mình phụ trách vì thấy con không phù hợp. 

Sau 3 năm triển khai giải pháp "mô hình chóp" đào tạo và bồi dưỡng tài năng, Trường THPT Phùng Khắc Khoan có giải quốc gia đầu tiên ở môn văn vào năm 2020. Năm 2021, trường có giải quốc gia môn hóa học. Năm học 2022-2023 và 2023-2024, trường có giải Ba và giải Nhì môn vật lý do em Vũ Thế Sơn mang về.

Bên cạnh đó, số lượng học sinh giỏi cấp thành phố của Trường THPT Phùng Khắc Khoan hàng năm rất đông.

Giải pháp "mô hình chóp" của thầy Trung đã đạt giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" vì tính khả thi và hiệu quả, nhất là tại một ngôi trường có điểm đầu vào lớp 10 nằm trong nhóm thấp nhất của Hà Nội. Năm 2023, trường có điểm chuẩn 28,75, trung bình hơn 5,6 điểm/môn.

Thầy Trung tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa sư phạm vật lý, từng đạt giải Olympic vật lý sinh viên toàn quốc. Không chỉ có giải pháp đột phá trong công tác đào tạo học sinh giỏi, thầy Trung còn thúc đẩy hoạt động nghệ thuật và thể thao ở trường. 

Trường THPT Phùng Khắc Khoan là trường cấp 3 công lập không chuyên đầu tiên của Hà Nội dạy môn âm nhạc với toàn bộ khung chương trình, nhân sự do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chuyển giao, hỗ trợ. Trường cũng có 4 lần vào chung kết giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - An ninh thủ đô.