Nằm dài chờ việc hay đi làm móng, chạy xe ôm, bán nước, trông xe?
(Dân trí) - Tình trạng treo bằng chờ việc của cử nhân khiến cho rất nhiều phụ huynh, học sinh ngán ngẩm và lo nghĩ về một tương lai u ám khi trót đầu tư một đống tiền của cho việc học hành. Cha mẹ “đau đầu cùng con thảo luận tìm ra đáp số cho bài toán việc làm ngay từ khi các em vừa tốt nghiệp THPT.
Một chị hàng xóm của tôi có 2 con gái đều độ tuổi 18, 20. Chị cho con gái lớn đi bán hàng tại siêu thị, con thứ hai học Trung cấp Y. Hai bạn trẻ này lực học làng nhàng nên đi học trường nghề cho vui, cho khỏi "quê" với các bạn cùng lớp. Bản thân chị có cửa hàng làm đẹp cắt tóc, gội đầu, làm móng khá đắt khách. Cửa hàng làm móng của chị được các chị em ưa chuộng vì bà chủ ăn nói ngọt ngào, chịu khó đi học các khóa nâng cao tay nghề nên lượng khách mỗi năm đều tăng lên.
Nắm bắt kịp thời xu hướng làm đẹp của chị em, chị quyết định gọi cả hai con gái về để học việc và lên ý tưởng thuê cửa hàng cho hai con tự làm chủ. Con gái chị trẻ trung, nhạy bén hơn mẹ nên các em có những khách hàng đồng lứa thường xuyên lui tới. Có thu nhập nên hai cô gái ăn mặc hợp thời trang, nói chuyện khéo léo và ra ngoài nổi bật với vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn khiến bạn bè ngưỡng mộ. Chị hàng xóm của tôi đúng là mẫu phụ huynh lý tưởng, không sĩ diện hão, tâm lý với các con, hướng nghiệp cho con ngay từ sớm và chị đặt trọn niềm tin vào con, cho con thỏa sức sáng tạo.
Tôi làm việc ở ga tàu nên quanh cửa ga thường có một đội xe ôm túc trực mỗi lúc tàu về. Có một anh xe ôm khá có duyên, anh này luôn có khách quen "đặt hàng" nên ngày nào anh cũng chạy xe trên đường và có thu nhập gấp đôi lương công nhân của tôi. Tôi hay đùa "không biết anh có bí quyết gì mà đắt khách thế?" Anh vui vẻ thổ lộ: “Đấy là luôn nhiệt tình xách đồ cho cụ già, bế giúp cháu nhỏ, lấy giá cả phải chăng, chạy xe an toàn”.
Một chị đồng nghiệp của tôi về hưu trước tuổi do cơ quan giảm biên chế, cả gia đình mở một quán bán nước trông xe ngay sau ga. Nhặt nhạnh từng đồng lẻ bán thuốc nước cho khách đi tàu, ngày lễ tết thức trắng đêm trông xe, anh chị có khoản thu nhập kha khá lo cho con gái học đại học, con trai học cấp 3. Chị dạy con bài bản, không hề nuông chiều con như nhiều gia đình khác bố mẹ làm hết, con chỉ cần học. Con gái mỗi cuối tuần về nhà là lo bán quán phụ giúp bố mẹ. Con trai cứ buổi tối tàu về là ra dắt xe trả khách, thu tiền và trông quán xá cho bố mẹ ăn cơm tối. Nếu sau này chưa xin được việc, cô cử nhân Ngân hàng sẽ không lo thất nghiệp vì có sẵn cái quán nước của bố mẹ. Được mẹ rèn việc nhà và lao động kiếm tiền khi còn là học sinh nên cô sinh viên trẻ này luôn tươi cười phục vụ và không chút mặc cảm khi phải ngồi bán nước, trông xe.
Mấy cô làm cùng tôi khi mới về hưu đã lập ra một nhóm chuyên đi nấu cỗ, rửa bát đám cưới. Vào mùa cưới, các cô làm không hết việc. Bản thân tôi khi suýt chút nữa thất nghiệp, mảnh bằng trung cấp không xin nổi vào cơ quan khác, tôi cũng lên ý tưởng xin một chân tạp vụ, bán hàng hoặc trông trẻ tại gia. Nếu không đi làm xa được thì nhận việc thủ công về nhà làm, thời gian rỗi kèm con cái học, thỉnh thoảng viết lách quyết không để mình rơi vào cảnh mất việc, bế tắc. Ai cũng lắc đầu cám cảnh, thương hại. Nhưng tôi không bao giờ coi những việc chân tay thuần túy ấy là thấp kém, cứ có việc làm có thu nhập là trên hết. Ngồi nhà kén việc thì mới thất nghiệp, chứ thật ra lúc nào cũng có rất nhiều việc để tạo nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Mỹ Đức
(Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!