Mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt Nam còn thấp

(Dân trí) - Ngày 1/12, Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF Education First đã tổ chức hội thảo, họp báo công bố về báo cáo chỉ số Thông thạo Anh ngữ toàn cầu EF EPI. Theo đó, EF đánh giá chỉ số thông thạo tiếng Anh của Việt Nam ở mức độ thấp với điểm số là 51,57%.

Theo báo cáo của EF, Đan Mạch là nước nói tiếng Anh tốt nhất trong những quốc gia không nói tiếng Anh bản địa, tiếp theo là Hà Lan và Thụy Điển. Việt Nam được xếp hạng 33/63 quốc gia và nằm trong nhóm những nước tiến bộ nhanh nhất thế giới về khả năng giao tiếp tiếng Anh do EF khảo sát.

Tuy nhiên, mức độ thông thạo Anh ngữ của người trưởng thành ở Việt Nam vẫn còn thấp, mặc dù trình độ kỹ năng đã cải thiện nhanh chóng trong 7 năm trở lại đây. Tại TPHCM, mức độ thông thạo Anh ngữ của người trưởng thành đã có chút cải thiện đạt 53.44% và Hà Nội là 51.76%, tương tự như ở các thành phố lớn khác trên toàn thế giới. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, phụ nữ Việt Nam nói tiếng Anh tốt hơn nhiều so với nam giới.

Mức độ thông thạo Anh ngữ của người lớn ở Việt Nam đã tăng lên ở mọi lứa tuổi, không chỉ riêng nhóm độ tuổi nào. Thực tế, so với các nước khác trên thế giới, Việt Nam gần như là nước có tỷ lệ khác biệt về mức độ sử dụng thành thạo tiếng Anh giữa các nhóm tuổi thấp nhất thế giới.

Mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt Nam còn thấp
Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF Education First đã tổ chức họp báo công bố về báo cáo chỉ số Thông thạo Anh ngữ toàn cầu EF EPI ngày 1/12.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, tình trạng yếu và thấp  đối với môn tiếng Anh của Việt Nam là do học sinh và giáo viên đang chịu nhiều thách thức, đó là sự thiếu tài liệu, thiếu thông tin. 

Để cải thiện tình trạng này, bà Ánh cho rằng,  việc quan trọng nhất hiện nay là đào tạo giáo viên ngoại ngữ và các trường học phải được trang bị phương pháp dạy học hiện đại hỗ trợ giáo viên và học sinh.  

Ông Minh Trần - Giám đốc Nghiên cứu và hợp tác học thuật EF cho biết: “Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để học ngoại ngữ và tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên, do trình độ Anh ngữ vẫn còn một khoảng cách khá dài so với nhóm dẫn đầu ở châu Âu, nên nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế chưa thể khai thác. Việt Nam đã có những bước đi đúng hướng để thúc đẩy việc dạy học ngoại ngữ trong nhà trường. Tôi thấy thời gian gần đây, trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam không ngừng nâng cao, nhiều người trong số họ có thể nói thành thạo tới hai ngoại ngữ”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định: Hiện nay, Việt Nam cũng có những tiến bộ đáng kể trong việc đào tạo tiếng Anh. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, tuyên bố đến năm 2020, ngoại ngữ sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong công cuộc phát triển của nhân dân Việt Nam. Các mục tiêu của đề án đang dần được hiện thực hóa và đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Chỉ số thông thạo Anh ngữ EF (EF EPI) là bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ trung bình của người trưởng thành ở mỗi quốc gia bằng cách sử dụng dữ liệu từ hai đợt kiểm tra trình độ tiếng Anh EF khác nhau thực hiện trên hàng trăm nghìn người trưởng thành hàng năm. Bài kiểm tra thứ nhất được tổ chức thi miễn phí trên máy tính cho bất kỳ người dùng Internet nào. Bài thứ hai là bài kiểm tra trực tuyến cho các học viên trong suốt đợt tuyển sinh của EF trước khi họ bắt đầu khóa học tiếng Anh. Cả hai bài kiểm tra này đều có các phần thi về ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu và nghe hiểu.

Báo cáo EF lần thứ 4 này được tính toán dựa trên dữ liệu kiểm tra năm 2013 với 750.000 người dự thi. Chỉ những quốc gia có tối thiểu 400 người dự thi được đánh giá trong báo cáo chỉ số này. Những quốc gia có số người dự thi ít hơn 100 người ở một trong 2 bài thi cũng không được tham gia xếp hạng trong chỉ số này, dù có đạt yêu cầu về tổng số người dự thi.

Mỗi quốc gia được xếp hạng theo mức độ thông thạo dựa trên điểm số của mình. Các mức độ này cho phép công nhận một nhóm quốc gia có trình độ tiếng Anh tương tự và so sánh giữa các khu vực. Mức độ được tuân thủ theo Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) và phân loại theo trình độ EF. Mức độ thông thạo rất cao tương ứng với trình độ CEFR B2. Mức độ cao, trung bình và thấp tương ứng với cấp độ CEFR B1 và mỗi mức độ lại tương ứng với một mức trình độ EF. Mức độ rất thấp tương ứng với trình độ CEFR A2.

 
Hồng Hạnh