Một trường tiểu học ở Đà Nẵng tiết kiệm hơn 2 triệu đồng/tháng với hệ thống điện năng lượng mặt trời
(Dân trí) - Sau 3 tháng vận hành thử nghiệm hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã tiết kiệm chi phí điện năng phục vụ công tác dạy học trung bình 2,2 triệu đồng/tháng.
Sáng 27/9, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019.
Với hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái vừa đưa vào sử dụng, phục vụ công tác dạy học tại nhà trường, ông Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: Chỉ sau ba tháng đi vào vận hành thử nghiệm, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái đã sản xuất tổng sản lượng điện 3.561 kWh, tiết kiệm 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường. Hệ thống điện mặt trời không những bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà trường trung bình 2,2 triệu đồng/tháng.
Với hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái này, nhà trường tiết kiệm chi phí trung bình hơn 2 triệu đồng/tháng
Được biết, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái vừa đưa vào sử dụng tại trường học nói trên thuộc dự án Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng (DSED), do EU tài trợ.
Tại Đà Nẵng, dự án chọn lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại 4 cơ sở công gồm: Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường THCS Hoàng Diệu và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời cũng được lắp đặt tại sáu hộ gia đình với tổng công suất lắp đặt 2,75 kWp/hệ. Tất cả các hệ thống về cơ bản đã đi vào vận hành từ tháng 6/2019 và đã hòa lên lưới điện quốc gia.
Khánh Hiền