Một trường đại học được yêu cầu có ít nhất 1.000 bài báo quốc tế mỗi năm
(Dân trí) - Định hướng đến năm 2035, Trường Đại học Y Hà Nội có ít nhất 1.000 bài báo quốc tế mỗi năm, tối thiểu 5 bệnh viện trực thuộc đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định 714/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Mục tiêu của đề án là phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, có uy tín ngang tầm các đại học hàng đầu châu Á, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sức khỏe, đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của nhân dân.

Định hướng đến năm 2035, Trường Đại học Y Hà Nội trở thành đại học được xếp hạng trong danh sách 100 đại học hàng đầu châu Á (Ảnh: Nhà trường).
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2035, trường có quy mô đào tạo trên 20.000 người học; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương trên 50% tổng quy mô tuyển sinh.
Chính phủ yêu cầu 100% chương trình đào tạo được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định uy tín trong nước, quốc tế.
Số lượng bài báo quốc tế tăng 10%/năm, đến năm 2035 đạt công bố mỗi năm ít nhất 1.000 bài báo quốc tế, bảo đảm tối thiểu 0,75 bài báo/giảng viên cơ hữu.
Đề án cũng đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 20 viện, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, phòng thí nghiệm; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược ứng dụng trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực sức khỏe.
Sau 10 năm nữa, bảo đảm mỗi cơ sở đào tạo của trường có ít nhất 1 cơ sở thực hành chính; xây dựng tối thiểu 5 bệnh viện trực thuộc trường đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Đáng chú ý, đề án đặt mục tiêu Trường Đại học Y Hà Nội trở thành đại học được xếp hạng trong danh sách 100 đại học hàng đầu châu Á, 801-1.000 đại học hàng đầu thế giới và có ít nhất 2 nhóm ngành được xếp hạng trong nhóm 150 của bảng xếp hạng quốc tế uy tín.
Ngoài ra, các quy định về tổng số giảng viên cơ hữu, trình độ giảng viên, số lượng sinh viên, học viên quốc tế cũng được đề cập.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: Nhà trường).
Tầm nhìn đến năm 2050, trường là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trọng điểm quốc gia, có mô hình quản trị đại học thông minh, tiên tiến, thuộc nhóm các trường hàng đầu châu Á, top 501-800 các trường đại học hàng đầu thế giới và có ít nhất 4 nhóm ngành được xếp hạng trong nhóm 150 của bảng xếp hạng quốc tế uy tín.
Để đạt được các mục tiêu trên, nhà trường sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong y tế.
Cùng đó, trường nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và nhân lực y tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh và phòng bệnh.
Cụ thể, trường sẽ triển khai mở rộng diện tích, xây dựng mới cơ sở đào tạo, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, đáp ứng mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển, mở rộng chuỗi các bệnh viện đại học trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh và các tỉnh, thành khác. Trụ sở chính cũng được hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở vật chất.