Một thành viên Forbes Under 30 sẽ rút tên nếu Ngô Hoàng Anh được vinh danh
(Dân trí) - Động thái kiên quyết phản đối việc Ngô Hoàng Anh được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh đến từ một cá nhân từng có được vinh dự này 2 năm trước.
Ngày 23/2, tạp chí Forbes Việt Nam ra thông báo mới về việc xác minh thông tin vụ việc Ngô Hoàng Anh bị tố cáo quấy rối tình dục nữ sinh.
Tạp chí này cho biết: "Hiện tại, các thông tin phía Forbes Việt Nam tiếp cận được có sự khác biệt giữa các bên, rất phức tạp và không hoàn toàn giống như những gì mạng xã hội phản ánh. Do đó, chúng tôi đã cần nhiều thời gian xác minh".
Phản ứng lại trước tuyên bố mới nhất của Forbes về vụ việc, anh Hoàng Anh Đức - người từng được vinh danh trong danh sách Under 30 của tạp chí Forbes Việt Nam năm 2020 ở lĩnh vực Giáo dục - Khoa học, đã có một bài viết nêu ý kiến thẳng thắn.
Anh Hoàng Anh Đức là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Châu Á. Công việc của anh tập trung vào thúc đẩy các cơ hội phát triển công bằng cho giáo viên, phát triển chính sách giáo dục bền vững và quản lý trường học hiệu quả. Hoàng Anh Đức đồng thời cũng là tác giả, đồng tác giả của 17 công trình khoa học quốc tế.
Anh Đức dành sự quan tâm tới sự việc này và cho rằng: "Theo những tin nhắn mà Ngô Hoàng Anh đã gửi tới nhiều bạn nữ, mình không nhìn nhận thấy tác động tích cực mà Ngô Hoàng Anh đem lại cho cộng đồng".
Do vậy, Anh Đức khẳng định đanh thép: "Vậy nên, nếu như đến ngày vinh danh Forbes Under 30 năm nay mà Ngô Hoàng Anh vẫn có tên trong danh sách, mình xin rút tên khỏi danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020".
Nội dung cụ thể bài viết của Hoàng Anh Đức:
"Đúng 1 tuần trước, khi nhận được tin về sự việc của bạn Ngô Hoàng Anh (N.H.A), mình đã thông báo tới Forbes Việt Nam và mong rằng Ban biên tập (BBT) tạp chí, cùng hội đồng giám khảo sẽ sớm có những hành động phù hợp.
Từ đó tới nay, mình cũng liên tục hỏi thêm về các cập nhật mới. Các anh chị bên phía Forbes Việt Nam có trả lời mình rằng vấn đề "rất phức tạp và không hoàn toàn giống như những gì mạng xã hội phản ánh", nhất quán với thông điệp mà Forbes đăng tải hôm nay.
Mình đồng ý với Forbes Việt Nam ở luận điểm "Vì vấn đề liên quan đến sự nghiệp và tương lai của tất cả các bạn trẻ trong cuộc, Forbes Việt Nam đang tìm hiểu vụ việc thấu đáo và công bằng." Mình tôn trọng, trân trọng những nỗ lực của các anh chị BBT Forbes Việt Nam đang tiến hành để tiếp tục làm rõ và kết thúc sự việc.
Theo Forbes, thì danh sách 30 Under 30 để vinh danh những bạn trẻ với "những dấu ấn thành công ban đầu trong sự nghiệp, họ đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng", là những người "dám nghĩ dám làm, với những cá tính mạnh mẽ và dấn thân. Họ đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam năng động, tri thức, mang khát vọng thành công."
Mình chưa hình dung được sự việc thực sự phức tạp tới đâu, và bạn N.H.A còn có uẩn khúc gì hay không. Thế nhưng, theo những tin nhắn mà N.H.A đã gửi tới nhiều bạn nữ, mình không nhìn nhận thấy tác động tích cực mà N.H.A đem lại cho cộng đồng. Như 2 năm trước, N.H.A vẫn lẩn tránh và không dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Mình không tin rằng có một bạn trẻ nào lại cho rằng N.H.A là một đại diện cho "thế hệ trẻ Việt Nam năng động, tri thức, mang khát vọng thành công."
Chủ đề của Forbes under 30 năm 2022 là The Lights of Hope - Những Ánh sáng hy vọng. Mình mong rằng 25 bạn trẻ còn lại trong danh sách năm nay sẽ có cơ hội để lan tỏa những ánh sáng hy vọng ấy.
Lỗi lầm của sự việc lần này không nằm ở Forbes Việt Nam, nhưng, quan điểm của mình vẫn như một tuần trước, rằng "Quyết định của Forbes Việt Nam với trường hợp bạn N.H.A sẽ không chỉ đơn thuần dành riêng cho cá nhân bạn N.H.A, mà còn là thông điệp gửi tới cả hiện tại và tương lai."
Vậy nên, nếu như đến ngày vinh danh Forbes Under 30 năm nay mà N.H.A vẫn có tên trong danh sách, mình xin rút tên khỏi danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020.
Trong tuần qua, cũng có nhiều anh chị em trao đổi về việc tổ chức một số hoạt động giáo dục về giới tính, cũng như các hoạt động hỗ trợ các nạn nhân đang ở trong những tình huống tương tự. Mình không có chuyên môn về vấn đề này nên không dám hứa hẹn gì.
Theo mình biết, hiện tại có một số kênh hỗ trợ mà mọi người có thể tham khảo:
- Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111
- Đường dây nóng Ngày Mai: https://duongdaynongngaymai.vn/
- Danh bạ địa chỉ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại (UN Women và Bộ LĐ, TB&XH cập nhật đến 3/2021) (file đính kèm)
Trân trọng,
Hoàng Anh Đức".
Trước Hoàng Anh Đức, một ứng viên lọt vào danh sách vinh danh của tạp chí Forbes Việt Nam năm nay là họa sĩ truyện tranh Đặng Quang Dũng (cha đẻ của nhân vật truyện tranh nổi tiếng mạng xã hội có tên là Mèo Mốc) đã công khai chỉ trích Ngô Hoàng Anh trong vụ việc bị tố quấy rối tình dục.
Ngoài việc cho đăng một bài "ngỏ" thẳng thắn nêu quan điểm không ủng hộ "những hành động và lời nói mang tính quấy rối tình dục trong hình ảnh được cho là từ Ngô Hoàng Anh" trên fanpage chính thức Mèo Mốc, Quang Dũng cũng chia sẻ lại bài viết này trên trang Facebook cá nhân kèm lời nhắn nhủ: "Chúng tôi không dung thứ cho loại hành vi này".
Cụ thể quan điểm của Đặng Quang Dũng và team Mèo Mốc đã được Dân trí phản ánh tại đây .
Đặng Quang Dũng (sinh năm 1992) gắn với cái tên Mèo Mốc. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đặng Quang Dũng theo học thiết kế đồ họa tại LASALLE College of the Arts, Singapore. Cuối cùng, Dũng chọn con đường trở thành họa sĩ truyện tranh như mơ ước từ nhỏ. Đến nay, Đặng Quang Dũng có 16 đầu truyện tranh đã xuất bản.
Trong những ngày qua, dư luận, đặc biệt là cộng đồng học sinh, sinh viên trong và ngoài nước xôn xao trước thông tin học sinh, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu là Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối qua mạng xã hội.
Ngô Hoàng Anh, 22 tuổi, sinh viên Đại học École Polytechnique (Pháp) là người vừa có tên trong danh sách Under 30 năm nay của Forbes Việt Nam vinh danh về lĩnh vực khoa học vào ngày 14/2 vừa qua.
Cách đây hai năm, một cựu học sinh của trường đã lên tiếng về việc Ngô Hoàng Anh thường xuyên nhắn tin cho cô với từ ngữ khiếm nhã, nhạy cảm, đề cập đến vấn đề tình dục, gạ gẫm cô gọi video "cởi"... Sau khi cô gái chia sẻ về sự việc, nhiều nữ sinh là học sinh, cựu học sinh của trường cũng xác nhận về việc từng bị người này nhắn tin quấy rối tình dục.
Theo cô gái, cô đã từng phản ánh sự việc lên nhà trường, lên giáo viên... nhưng không nhận được sự hỗ trợ, thậm chí còn nhận được những gợi ý im lặng "để khỏi ảnh hưởng đến trường".