Một số ngành học “nóng” trong tương lai
(Dân trí) - Để định hướng thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã đưa ra cảnh báo về ngành thừa nhân lực, ngành thiếu nhân lực hiện nay và trong tương lai.
Bộ GD-ĐT cảnh báo về nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã vượt so với quy hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội khiến sinh viên các ngành này khó tìm được việc làm.
Cụ thể, năm 2013, số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó, một số ngành đào tạo có hồ sơ đăng ký dự thi tăng như: nhóm ngành khoa học giáo dục (tăng 3,1%), khoa học sức khỏe (tăng 1,7%), công nghệ kỹ thuật (tăng 0,5%), kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường (tăng 1,4%)…
Để cân đối nguồn nhân lực trong tương lai, Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ nhiều trường xây dựng và mở một số ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước như năng lượng hạt nhân, ngành an toàn và an ninh mạng, thương mại điện tử, hộ sinh…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thời gian qua, cơ cấu ngành nghề đào tạo đã được điều chỉnh; cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh có sự thay đổi theo hướng giảm sinh viên theo học các ngành kinh tế và quản lý; tăng số lượng thí sinh các ngành nghề xã hội có nhu cầu; tỷ lệ sinh viên theo học các hệ không chính quy tiếp tục giảm. Tuy nhiên, bộ sẽ nghiên cứu yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu riêng cho một số ngành nhiều người học. Những trường nhiều năm liền mất cân đối chỉ tiêu giữa các ngành, Bộ sẽ giao trực tiếp chỉ tiêu trên cơ sở năng lực đào tạo của từng ngành.
Thứ trưởng Ga cho hay, bộ đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân bố chỉ tiêu hài hòa giữa các ngành đào tạo. Những bất cập trong việc mở ngành, chuyên ngành của những năm học trước đã được xử lý kịp thời.
Hồng Hạnh