Một lớp học có 4 bộ SGK: Đừng để phụ huynh phải photo vì không tìm ra sách
(Dân trí) - Một hiệu trưởng cho rằng, giáo viên có thể tham khảo nhiều bộ SGK khi giảng dạy. Vì vậy, nhà trường chọn sao để hài hòa giữa mục tiêu giáo dục và chia sẻ khó khăn với phụ huynh.
Khó mua SGK vì trường chậm công bố danh mục?
Theo phản ánh của Dân trí trước đó, khi phụ huynh đến một số nhà sách trên địa bàn Hà Nội, một số đầu SGK khan hiếm, nhất là SGK Mỹ thuật.
Hầu hết các nhà sách đều bán lẻ tẻ, không đầy đủ tất cả các bộ SGK, trong khi nhiều trường học từ 3-4 bộ sách khiến phụ huynh phải "toát mồ hôi" tìm mua.
Theo NXB Giáo dục Việt Nam, đối với SGK phục vụ học sinh lớp 4,5,8,9,11,12 theo chương trình hiện hành, đến ngày 9/8/2022, đơn vị này đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản.
Đối với SGK lớp 3,7,10 mới, đến nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản.
Đối với SGK các lớp 1,2,3,6,7,10, đơn vị này đã cung ứng tới các địa phương hơn 40 triệu bản sách.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai áp dụng SGK các lớp 3,7 và 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới).
Các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ SGK phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.
Tuy nhiên theo lý giải của đơn vị này, do việc công bố danh mục SGK lớp 3,7,10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định nên đây là một thử thách lớn đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc cung ứng SGK theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.
Đặc biệt đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương.
Do đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng từ các nhà trường, từ đó có chuẩn bị để triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.
Đừng để phụ huynh phải photo vì không tìm ra sách
Theo thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội), cho dù là bộ sách nào thì cuối cùng Chuẩn kiến thức và Chuẩn kỹ năng của học sinh cuối năm là như nhau. Do đó, tiến tới SGK chỉ nên là tài liệu tham khảo.
Được biết trường Lô mô nô xốp hiện đang học 3 bộ SGK. Nhà trường hỗ trợ phụ huynh đăng ký mua SGK thông qua nhà trường theo đúng giá bìa.
"Để gỡ khó cho học sinh, nhà trường đang dần ghim sách ở thư viện để các em có thể mượn.
Kinh nghiệm những năm trước đây, chúng tôi cho rằng cần khoảng 2 năm là có thể hỗ trợ học sinh mượn khoảng 150 bộ SGK đầy đủ bởi thông thường, các em sẽ giữ sách cũ khoảng một học kỳ hoặc một năm mới ủng hộ sách", thầy Tùng cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cũng nói rằng, hiện có nhiều trường dùng đan xen 3- 4 bộ SGK.
"Việc một lớp học sử dụng nhiều bộ SGK là theo đúng quy định và giáo viên được phép làm việc đó.
Vì thế những trường khác nhau thì có cách chọn SGK khác nhau và Ban giám hiệu phải tôn trọng tuyệt đối sự lựa chọn của giáo viên trong trường.
Nếu trường nào vẫn kiên quyết dùng 3-4 bộ SGK, tôi nghĩ nhà trường nên giúp đỡ phụ huynh bằng cách liên hệ với NXB, đóng từng bộ SGK chuẩn (tất nhiên không phải kiểu lạc kèm bia), gửi về cho học sinh.
Hiện nay thời đại CNTT, việc vận chuyển cũng không thể khó khăn như xưa nên tôi cho rằng, nếu dùng nhiều bộ sách nhưng nhà trường không lọc giúp phụ huynh thì các gia đình rất khổ", thầy Cường chia sẻ.
Cũng theo hiệu trưởng này, ở trường THCS Thái Thịnh hiện chỉ sử dụng một bộ SGK "Kết nối tri thức".
Sở dĩ như vậy vì theo quan điểm của đơn vị này, một khi hướng đến mục tiêu chung là đạt được chương trình, khi dạy bộ sách này, giáo viên hoàn toàn có thể tham khảo bộ sách khác bởi SGK bây giờ không còn là "pháp lệnh", là duy nhất như trước đây.
"Tôi từng biết năm học trước có câu chuyện, vì phụ huynh không tìm ra SGK nên phải phô tô từ sách màu ra đen trắng để con học.
Do đó tôi cho rằng, các nhà trường cần hài hòa giữa việc chọn SGK nhưng làm cách nào đó để phù hợp cho phụ huynh, đừng để vì không tìm ra sách mà phụ huynh phải phô tô, như thế rất phản cảm và không còn ý nghĩa của giáo dục", thầy Cường nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, khác với trước đây, một chương trình, một bộ SGK thì SGK được coi như pháp lệnh. Khi chúng ta thực hiện một chương trình/nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất.
Cái lõi của việc thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" là bám sát chương trình, học, chứ không phải bám vào SGK. Thầy cô và học sinh sẽ yên tâm và dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.