Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông

(Dân trí) - Để chứng minh cho chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành quá tải, nặng về kiến thức, lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra những minh chứng về sự quá tải này.

Chương trình, sách giáo khoa sẽ được đổi mới sau năm 2015.

Chương trình, sách giáo khoa sẽ được đổi mới sau năm 2015.

Chỉ ra những thông tin cụ thể về hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nặng về kiến thức văn hóa và khoa học, nhẹ về giáo dục nhân cách, các kỹ năng sống, nặng tính hàn lâm, lý thuyết, nhẹ thực tiễn và kỹ năng thực hành, ông Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra những minh chứng cụ thể ở một số môn học phổ thông. Cụ thể:

Môn Ngữ Văn: Tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt, thứ tự sắp xếp một số bài chưa hợp lý. Nhiều bài học trong sách giáo khoa, nhất là các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Một số nội dung còn cao đối với khả năng tiếp thu của học sinh nhất là học sinh vùng nông thôn, miền núi và những học sinh có khó khăn trong học tập. Cụ thể, mảng thơ Đường, các thể loại như Tựa, Sử kí, phẩm bình lịch sử… Hầu hết các tác phẩm dạy trong SGK, THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời từ gần nửa thế kỷ cho đến vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm trước, không phù hợp với tâm lý và xu hướng đọc sách của học sinh hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập của các em.

Môn Toán: Trong hình học phẳng chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa khái niệm “Góc hình học”, “góc của hai tia”, “góc của hai vectơ” và “góc của hai đường thẳng”, SGK ở THCS viết gộp cả 2 phần Hình học và Đại số vào chung một quyển không thuận tiện.

Môn Vật lý: Chưa thống nhất tên gọi, thuật ngữ các hiện tượng, khái niệm, định luật vật lý trong cả 2 bộ sách của chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Môn Sinh học: Việc thiết kế các hoạt động học tập được thể hiện rõ ở bộ SGK THCS, THPT còn nặng về trình bày nội dung, không thể hiện rõ các lệnh để tổ chức hoạt động học tập học sinh; chưa thống nhất về nội dung giữa hai bộ sách. Ví dụ: Quan điểm về chọn lọc tự nhiên của Đac Uyn trong bài 25 - SGK 12 Ban Cơ bản và bài 35 - SGK 12 ban KHTN; Sai khác về cách tính tỷ lệ phần trăm lượng nước thoát hơi nước trong bài 2 - SGK 11 Ban KHTN và bài 3 SGK 11 Ban Cơ bản; Một số bài có thể bổ sung thêm kênh hình; Một số nội dung trình bày quá sâu về cơ chế mặc dù một số nội dung đã được đưa vào nội dung giảm tải.

Môn Lịch sử: Phần lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX (lớp 6,7 và 10), ngoài các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, mục tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa cứ lặp lại hết thời kỳ này đến thời kỳ khác theo lối dàn trải mà không nêu bật lên những thành tựu, tiến bộ tiêu biểu của mỗi thời kỳ.

Phần lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX cho đến năm 1975 (lớp 8,9 và 10) lại nặng về lịch sử kháng chiến chống Pháp, phong trào yêu nước, phong trào cách mạng, hai cuộc kháng chiến (1945 - 1975) cùng một số chuyển biến kinh tế xã hội nhất định, những biến đổi về tư tưởng, những phát triển văn hóa rất mờ nhạt.

Từ 1975 đến năm 2000 thì trình bày theo các kế hoạch 5 năm với những số liệu nặng nề, không nêu bật lên những điểm tiêu biểu; nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử, SGK chưa cập nhật. SGK lớp 6 có một tiết cho nước Chămpa từ thế kỷ II đến V. SGK lớp 10 có 1 bài cho các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam. Đó là một bổ sung cần ghi nhận, nhưng một quan niệm toàn bộ về lịch sử VN vẫn chưa rõ. Lịch sử VN cần được nhận thức là toàn bộ quá trình lịch sử của tất cả các cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Trong SGK, lịch sử miền Nam Trung bộ chủ yếu mới bắt đầu từ khi người Việt vào đây tức từ thế kỷ XVI - XVII. Nhà Mạc là một vương triều tồn tại trong thế kỷ XVI cũng không có chỗ trong SGK.

Một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông hoàn toàn không được đề cập đến trong SGK. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (2/1979) cần được trình bày một cách kỹ lưỡng.
 

Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông
PGS.TS Văn Như Cương: Nhìn chung SGK phổ thông hiện nay là quá sức đối với đại bộ phận học sinh. Môn Toán chỉ học 3 tiết/tuần (cho ban cơ bản) và 4 tiết/tuần (cho ban KHTN) là rất ít nhưng SGK lại chứa đựng một lượng kiến thức quá lớn. Tính hàn lâm vẫn được coi trọng, thiếu phần liên hệ thực tế, hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống. Sự quá tải của SGK quá lớn làm việc học tập của học sinh rất nặng nề, khổ sở. Bộ GD-ĐT đã thấy rõ điều đó nhưng không có biện pháp giảm tải SGK một cách dứt khoát và hiệu nghiệm.

PGS Cương kiến nghị: Cần cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông bao nhiêu năm 10, 11 hay 12 năm?. Để có một chương trình phù hợp cần thành lập một Hội đồng chương trình khung và dưới đó là Hội đồng các bộ môn vì học sinh phải học 12 môn học khác nhau. Bên cạnh đó, vấn đề một chương trình và nhiều bộ SGK cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì nguyên tắc thì đúng nhưng thực hiện rất phức tạp.

Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2: Chúng tôi mong rằng, những tồn tại của chương trình, SGK hiện hành sẽ được nghiên cứu và giải quyết thấu đáo trong Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện.

Ông Tuyến kiến nghị xem xét tới cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông, phân luồng, phân ban như thế nào, một hay nhiều bộ SGK. Cần định hướng các trường sư phạm đi trước một bước, tránh tình trạng SV ra trường phải đào tạo lại cho đúng thực tế. Cần có sự tham gia của các trường sư phạm trong quá trình đổi mới chương trình, SGK. Khi viết sách cần có hội đồng đầy đủ như nhà quản lý, chuyên gia khoa học chuyên ngành và không thể thiếu các thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông.

Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên ĐH KHTN - ĐH QGHN đưa ra giải pháp để giảm tải chương trình, SGK như sau: Xây dựng bộ SGK chung đơn giản, dễ hiểu, từ lớp 1 đến lớp 10. Xây dựng chương trình nâng cao cho lớp 11 - 12. Song song với SGK quốc gia, khuyến khích các trường tùy theo nhiệm vụ đào tạo xây dựng các bộ sách của riêng trường mình. Ví dụ: những trường chuyên có bộ sách của trường nhiều kiến thức hơn, nhiều bài toán thực hành khó hơn. Đặc biệt, cải tiến kỳ thi phổ thông để có thể phân loại ngành nghề chọn các học sinh vào đại học. Cho phép các trường đại học tự tuyển chọn học sinh chất lượng cho trường của mình.

 

Hồng Hạnh