Một học sinh mồ côi vì Covid-19 cần 4-5 thầy cô nâng đỡ tinh thần
(Dân trí) - Cứ một trẻ em yếu thế hay không may mắn vì Covid-19 sẽ cần đến 4-5 giáo viên thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần - GS Huỳnh Văn Sơn Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đưa ra dự báo.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đưa ra dự báo trên khi nhắc đến những tổn thương tâm lý của trẻ em không may bị mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Số liệu thống kê chỉ 4 quận, thành phố Thủ Đức thôi cũng cho thấy những con số đáng để suy ngẫm. Toàn quận Tân Phú cập nhật có 20 trẻ tiểu học mồ côi trong số đó có 5 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tương tự, thành phố Thủ Đức có tới 103 em mồ côi, quận 3 có 19 em rơi vào tình cảnh mất cha hoặc mất mẹ…
Ông Sơn chia sẻ, nhóm chuyên gia tâm lý của ông đã tiếp cận với các con trẻ bị sang chấn trong mùa dịch, không nhói lòng khi nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ vô tội khao khát tình thương. Ông Sơn cho biết, khó có thể cầm lòng được khi tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của các em: "mẹ, bố con đi luôn phải không thầy?". Đồng hành với các em, càng lo lắng khi viễn cảnh nghĩ suy về tiến trình lớn lên và trưởng thành của các em sẽ thế nào khi nhiều nguy cơ, khi áp lực xã hội bủa vây?
GS Huỳnh Văn Sơn dự báo, nếu cứ một trẻ em yếu thế hay không may mắn sẽ cần 4 -5 thầy cô giáo cần thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần. "Khi tiếp cận và làm việc với các em, chắc chắn không chỉ cần sự thân thiện, đồng cảm mà cả sự tương tác thiện ý, tôn trọng tinh tế, sẻ chia linh hoạt và giúp đỡ tinh tế… Tất cả sẽ có thể là thách thức. Không chỉ các giáo viên mà cả các giáo viên chủ nhiệm và những giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ giáo dục các em rất cần có sự chuẩn bị tâm lý, rèn luyện về kỹ năng để thực hiện công tác dạy học và giáo dục sao cho hiệu quả", ông Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt, với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, GS Huỳnh Văn Sơn đánh giá là sự tổn thương ghê gớm dù ở độ tuổi nào, là một trải nghiệm đau đớn, không thể chối từ ngay cả cố gắng dùng ý chí để ám thị hay đánh lừa bản thân. Tổn thương ấy sâu sắc không chỉ bù đắp hay xoa dịu trong thời gian ngắn, bằng các buổi ăn, bằng sự gần gũi vừa vặn của một quan hệ thay thế, của một sự chăm sóc chừng mực.
"Chúng ta cần hiểu điều đấy để thấy rằng, cách nhìn về trẻ em cần ánh mắt của người trưởng thành sắc sảo, bằng cái nhìn của chính trẻ con để đồng cảm; cái nhìn của nhà giáo dục để chăm sóc và dạy dỗ, cái nhìn của nhà tâm lý để dưỡng dục và nâng đỡ, cái nhìn của một tấm lòng nhân ái để trao tặng cho trẻ em đúng hành trình, đủ đầy nhu cầu và ấm áp, thường nhật của tình yêu", ông Sơn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia tâm lý này cũng chỉ ra một số biện pháp nâng đỡ tâm lý trẻ bị tổn thương do dịch bệnh, trong đó giúp các em nâng cao tư duy tích cực từ nghịch cảnh. "Sử dụng một số giá trị sống tác động đến nhận thức của trẻ nhằm giúp trẻ tìm được ước mơ và có niềm tin vào tương lai phía trước. Bên cạnh đó kèm theo các biện pháp kỹ thuật giúp trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu, thư giãn và cải thiện đời sống cảm xúc", ông Sơn bổ sung.
Ngày 8/10, chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em mồ côi do đại dịch Covid khai giảng với sự tham gia của các chuyên gia của trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng và 1829 giáo viên ở 3 quận và TP Thủ Đức.
Chương trình diễn ra 3 khóa bồi dưỡng liên tiếp với thời lượng 15 tiết học/khóa học với mục tiêu sau khi hoàn thành xong chương trình, giáo viên sẽ phân tích được các lý thuyết cơ bản về tổn thương tâm lý, từ đó rèn luyện kĩ năng, vận dụng để nâng đỡ, hỗ trợ học sinh yếu thế.