Một đại học có 40 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2024

Hoài Nam

(Dân trí) - Đại học này có 7 người đạt chuẩn chức danh giáo sư và 33 người đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, trải rộng ở nhiều chuyên ngành.

Thông tin từ Đại học Quốc gia TPHCM, theo danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, đơn vị này có 40 ứng viên đạt chuẩn.

Trong đó, 7 người đạt chuẩn chức danh giáo sư và 33 người đạt chuẩn chức danh phó giáo sư.

Một đại học có 40 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2024 - 1

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2023 (Ảnh: N.Q).

Các chuyên ngành có ứng viên đạt chuẩn giáo sư đến từ Đại học Quốc gia TPHCM gồm cơ học, liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm (2 người), luyện kim, sinh học, liên ngành sử học - khảo cổ học - dân tộc học/nhân học; ngành toán học, y học.

Loạt ngành có ứng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư như cơ học, liên ngành cơ khí - động lực, công nghệ thông tin, liên ngành điện - điện tử - tự động hóa, liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm, liên ngành khoa học trái đất - mỏ, kinh tế, ngành toán học…

Trong danh sách ứng viên đạt chuẩn giáo sư của Đại học Quốc gia TPHCM năm nay có hai hiệu trưởng đến từ trường đại học thành viên là ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa và bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

Ông Mai Thanh Phong sinh năm 1972, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Ông nhận bằng đại học ngành công nghệ hóa học năm 1994 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).

Đến năm 1998, ông nhận bằng thạc sĩ ngành công nghệ môi trường tại Học viện Công nghệ châu Á, Thái Lan; nhận bằng tiến sĩ ngành quá trình và hệ thống hóa học tại Đức.

Năm 2013, TS Mai Thanh Phong được bổ nhiệm và công nhận chức danh phó giáo sư.

Hai hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Mai Thanh Phong gồm kỹ thuật phản ứng hóa học (động học phản ứng, nhiệt động lực hóa học) và vật liệu cho quá trình kỹ thuật hóa học (phân riêng, hấp thụ, xúc tác).

Đến nay, PGS.TS Mai Thanh Phong đã công bố 145 bài báo khoa học, trong đó 123 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ông cũng được cấp 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, xuất bản 3 cuốn sách phục vụ đào tạo.

Bà Ngô Thị Phương Lan (sinh năm 1974), quê ở Long An, tốt nghiệp đại học ngành Đông Phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM năm 1997.

Năm 2002 bà Lan tốt nghiệp thạc sĩ ngành nhân học của Đại học Toronto, Canada. 10 năm sau, bà được cấp bằng tiến sĩ ngành Lịch sử chuyên ngành dân tộc học Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM. 

Đến năm 2018, bà Lan được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, chuyên ngành dân tộc học.

Bà Lan đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ngoài ra, bà Lan còn có 13 cuốn sách được xuất bản.

Hướng nghiên cứu của bà Ngô Thị Phương Lan là nhân học, dân tộc học kinh tế; sinh kế tộc người - nhân học sinh thái và môi trường; du lịch nông nghiệp - nông thôn; nhân học phát triển.

Bà Ngô Thị Phương Lan là giáo sư duy nhất của liên ngành sử học - khảo cổ học - dân tộc học năm nay.

Theo danh sách từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2024 có 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.