Mong điệp khúc buồn môn Sử không vang lên vào mỗi kỳ thi
(Dân trí) - Khi điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 công bố, một lần nữa, môn Lịch sử lại là môn thi mang đến nỗi buồn cho những ai quan tâm đến giáo dục.
Đó là nỗi buồn môn học có điểm trung bình thấp nhất, có nhiều học sinh bị điểm liệt nhất.
Nhìn vào số liệu của Bộ GD-ĐT không ai mà không giật mình: Số điểm thi dưới trung bình nhiều nhất (52,03%), số điểm liệt nhiều nhất (540 thí sinh), điểm trung bình thấp nhất (4,97).
Những năm học trước cũng là các con số cũng chẳng thể vui: Năm 2016 điểm trung bình là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5. Không cần bàn cãi ta thấy việc học sinh quay lưng với môn Lịch sử là quá rõ ràng.
Nhiều thầy cô giáo dạy Lịch sử cho rằng, chuyện học sinh quay lưng với môn học có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là học sinh học môn Sử chỉ để đủ điểm tốt nghiệp.
Lâu nay, những môn học chính như Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh là lựa chọn số 1 của học sinh và phụ huynh. Đây là những môn mà có khối thi, tổ hợp môn đăng ký nguyện vọng vào những ngành, trường đại học "hot" dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao sau này.
Học sinh và phụ huynh lựa chọn những môn học "chiến trường" đó để đầu tư cả về thời gian, công sức và tiền bạc.
Thiên hướng chọn các môn để thi vào ngành học, trường đại học "có tiếng" ngay từ năm lớp 10, thậm chí từ khi bước vào lớp 6 bậc THCS. Vì thế việc học lệch là chuyện thường của thi cử nhiều năm nay.
Câu chuyện học sinh xé đề cương môn Sử ném xuống đầy sân trường khi biết Bộ GD-ĐT thông báo không có môn Sử trong các môn thi tốt nghiệp năm nào vẫn còn là nỗi đau của giáo viên.
Nội dung chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử hiện hành khá nặng nề, khô khan khiến học sinh thờ ơ. Học sinh phải nhớ quá nhiều những sự kiện lịch sử, số liệu về những trận đánh, những chiến dịch, mốc thời gian… của chương trình lịch sử thế giới từ năm 1945 đến nay, chương trình lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Kiến thức quá tải nên học sinh chán ngán, không thích môn học là điều dễ hiểu.
Chương trình xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung nên những năm học gần đây Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử từ cấp tiểu học.
Nhiều giáo viên dạy Lịch sử tâm huyết đã có những sáng tạo trong dạy học, những tiết học hấp dẫn, thật sự lôi cuốn song việc "ngó lơ" môn học của học sinh khiến những cố gắng ấy chẳng được hiệu quả là bao.
Học sinh không đam mê, hứng thú với môn Sử phải chăng từ cái nền móng ở tiểu học? Phó hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng, môn Lịch sử học sinh được học ngay từ lớp 4. Chương trình môn học được thiết kế cũng khá hàn lâm, nặng về kiến thức nên học sinh khó và phải ghi nhớ nhiều.
Việc dạy học theo hướng tích cực hóa các hoạt động học với không ít giáo viên còn thờ ơ, chưa được chú trọng đối với những môn phụ. Do đó niềm yêu thích môn Sử của học sinh chưa được giáo viên tạo cảm hứng đến các em. Muốn các em học tốt, không quay lưng với môn Lịch sử thì ngay từ tiểu học giáo viên phải truyền cảm hứng cho các em.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai xây dựng các môn học từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực có nhiều điểm mới với nhiều kỳ vọng của xã hội.
Môn học Lịch sử là môn học có nhiều thay đổi lớn so với các môn học khác, hy vọng những năm tới sẽ không còn điệp khúc nỗi buồn môn Sử vang lên vào mỗi kỳ thi.