Môn Văn khối D: Đánh giá cao cách làm ngoài đáp án

(Dân trí) - Ngay sau khi nhận phản ánh của Dân trí về việc một thí sinh <a href="http://www11.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/7/187287.vip">thắc mắc về đáp án môn Văn khối D</a>, Ban đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã đưa ra câu trả lời về ý kiến này. Dân trí xin đăng tải nguyên văn:

“Xung quanh câu 2 đề thi môn Văn (khối D) có một số ý kiến băn khoăn giữa câu hỏi và đáp án đề thi liệu đã thoả đáng hay chưa, việc phân bố thang điểm cho các ý, các luận điểm đã hợp lý và có cần thiết điền chỉnh đáp án hay không?...

 

Ban đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 có ý kiến như sau:


Đây là một đáp án mở vì trong phần “Hướng dẫn chấm thi” gửi Hội đồng tuyển sinh các trường, Ban đề thi đã xác định rất rõ: Với đề bài này, thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau:

 

Một là: Phân tích bài thơ, sau đó rút ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang.

 

Hai là: Triển khai phân tích theo hai phương diện: vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang.

 

Cả hai cách làm bài này đều được chấp nhận, miễn là đảm bảo các ý theo yêu cầu và tính hợp lý trong bố cục của bài làm.

 

Khi xây dựng đáp án, Ban đề thi cũng đã chú ý tới cách triển khai của thí sinh khi làm bài, bởi vì có thể phần đông sẽ phân tích bài thơ sau đó mới rút ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại. Triển khai theo cách thứ hai thường là những học sinh giỏi. Vì vậy, cả hai cách trên đều được chấp nhận, nhưng đánh giá cao thí sinh làm bài theo cách thứ hai và những bài làm sáng tạo theo kiểu này sẽ được đánh giá cao hơn.

 

Có ý kiến cho rằng đáp án của bài thi có phần lệch trọng tâm vì thang điểm chỉ cho 1 điểm đối với vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ trong khi đó định hướng của đề thi là làm rõ vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, từ đó đặt vấn đề về việc phân bố điểm đã thoả đáng hay chưa? Thực ra cách hiểu này chưa thật đầy đủ, bởi vì trong đáp án yêu cầu thí sinh không phải phân tích bài thơ chung chung mà phải có tính định hướng - tức là qua việc phân tích phải làm rõ vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của từng khổ thơ của bài thơ. Phần 1 điểm ở đây là dành cho thí sinh đúc kết, khái quát vẻ đẹp cổ điển và hiện đại sau khi đã phân tích bài thơ.

 

Có ý kiến cho rằng, nếu theo đúng đáp án thì khó có thể tuyển lựa được học sinh giỏi. Điều này là không đúng, bởi vì ở đề bài này không chỉ đòi hỏi thí sinh có khả năng cảm thụ, phân tích mà còn dành một khoảng rộng cho sự sáng tạo của người viết”.

 

Như vậy, với cách làm sáng tạo ngoài đáp án, thí sinh sẽ được đánh giá cao hơn so với các thí sinh làm đúng theo đáp án.

 

Thay mặt các bạn thí sinh, Dân trí xin cảm ơn Ban đề thi tuyển sinh đã sớm trả lời một cách khá chi tiết về đáp án môn văn khối D, đây cũng là cơ sở  để các em yên tâm với bài làm của mình.

 

Nguyễn Hùng