Môn Địa dễ kiếm điểm nhờ “bùa” Átlát

(Dân trí) - Nhờ có quyển Átlát địa lý mà Bùi Đình Đức, học sinh trường THPT Đống Đa - Hà Nội, tự tin chấm cho mình “chắc chắn phải được 8 điểm”! So với môn Sử buổi sáng, đề Địa dễ thở hơn nhiều, đó là nhận định của đa số học sinh sau khi rời phòng thi.

Phan Thu Hà, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Đề bài bình thường, không khó lắm, các câu hỏi có hết trong phần đề cương ôn tập và thời gian làm bài cũng vừa đủ”. Cùng tâm trạng với Hà, Nguyễn Thuỳ Dương, trường THPT Đống Đa cũng làm hết bài và khẳng định điểm chắc chắn sẽ cao hơn môn Sử.

 

Đối với môn Địa lý, ngoài 2 câu hỏi bắt buộc thì thí sinh có đề tự chọn. Trong phần tự chọn, một đề phải sử dụng Átlát Địa lý Việt Nam. Đây là cơ hội hay gọi khác là “bùa hộ mệnh” cho thí sinh “kiếm” điểm cao.

 

Bùi Đình Đức, học sinh trường THPT Đống Đa khẳng định rằng: “Chắc chắn em phải được 8 điểm vì với phần câu hỏi bắt buộc, có câu 3 điểm vẽ biểu đồ thì đơn giản, em làm được. Còn phần tự chọn, em làm câu sử dụng Átlát. Vì dựa vào quyển Átlát em đã làm bài đạt 90%”.

 

Không chỉ với Đức mà Nguyễn Quang Hùng, học sinh trường THPT Phan Huy Chú phấn khởi: “Átlát đã phục vụ gần hết việc làm bài của em. Thật là tốt khi Bộ GD-ĐT cho sử dụng tài liệu này”.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả các học sinh đều biết đọc và hiểu để áp dụng Át lát khi làm bài. Nguyễn Thuỳ Dương, học sinh trường THPT Đống Đa cho biết: “Em không sử dụng được quyển Átlát vì ở lớp không được học nhiều. Tiếc quá!”

 

Phải khẳng định rằng quyển Átlát là “bùa hộ mệnh” cho không ít thí sinh. Nguyễn Bích Vân, học sinh trường THPT Lê Thánh Tông tâm sự với bạn khi ra khỏi phòng thi: “Nhờ quyển Átlát mà mình để được tài liệu trong đó, giám thị không phát hiện được”. Không chỉ có Vân mà rất nhiều học sinh đã lợi dụng Átlát để làm “trò mèo” qua mắt giám thị.

 

Cũng theo “phản ánh” của nhiều học sinh thì chiều nay, giám thị coi chặt hơn, nghiêm túc hơn nhưng “thương” học sinh hơn. Học sinh Bùi Đình Đức cho hay, giám thị vẫn bắt tài liệu nhưng không lập biên bản.

 

Chủ tịch Hội đồng thi trường THPT Đống Đa Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Đến nay, tại Hội đồng thi Đống Đa thì chưa có em nào vi phạm quy chế cả. Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra các phòng thi, học sinh làm bài rất nghiêm túc. Nếu có học sinh nào vi phạm thì giám thị đã báo cáo!”.

 

Qua quan sát của phóng viên, cứ sau buổi thi thì hầu hết các cổng trường THPT Hà Nội đều có phao trắng xoá. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT trong ngày thi đầu tiên Hà Nội không học sinh, giám thị nào vi phạm quy chế (?).

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006