ĐBSCL:

Mở điểm giữ trẻ cho ngư dân vùng lũ

(Dân trí) - Nước lũ về, nhiều bậc cha mẹ bận mưu sinh nên mỗi năm số lượng trẻ tử vong trong những tháng mùa lũ ngày một nhiều. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương các huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp đã mở nhiều điểm trông giữ trẻ mùa lũ.

Nước lũ năm nay về sớm và cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm, đó là lý do mà các địa phương trong tỉnh An Giang chủ động triển khai mở các điểm giữ trẻ từ rất sớm. Việc này không chỉ tạo được sự an toàn cho trẻ em, mà còn giúp các bậc phụ huynh an tâm giăng câu, thả lưới, cải thiện kinh tế gia đình trong mùa lũ.

Xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hội là những xã bị ngập sâu nhất trên địa bàn huyện An Phú. Do là xã đầu nguồn nên mực nước ở xã Vĩnh Hội Đông rất cao, nhất là ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An. Chính vì vậy, ngay từ giữa tháng 8, địa phương đã tuyên truyền và huy động trên 100 em (từ 2 - 10 tuổi), tập trung vào những trẻ chưa biết bơi đến các lớp giữ trẻ.

Ở những huyện đầu nguồn vùng lũ của An Giang, Đồng Tháp, khi nước lũ về, nhiều phụ huynh lo mưu sinh trên những cánh đồng nước nên việc trông giữ trẻ rất khó khăn
Ở những huyện đầu nguồn vùng lũ của An Giang, Đồng Tháp, khi nước lũ về, nhiều phụ huynh lo mưu sinh trên những cánh đồng nước nên việc trông giữ trẻ rất khó khăn

Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang), cho biết: “Ở địa phương này, khi nước lũ về, những hộ dân sống nghề câu lưới tất bật với công việc mưu sinh. Đối với những hộ nào có ông bà thì việc trông giữ trẻ đơn giản, tuy nhiên rất nhiều hộ không người trông trẻ nên rất khó khăn cho việc người dân đi giăng câu, thả lưới... Do đó, từ nhiều năm qua, mới bắt đầu vô mùa nước là địa phương đi thống kê và lên kế hoạch tổ chức những điểm giữ trẻ tập trung trong mùa lũ. Mô hình này vừa đảm bảo an toàn cho các cháu, vừa giúp các phụ huynh an tâm mưu sính”.

Theo ông Phương, quy mô mỗi điểm giữ trẻ là 3 cô giáo và 50 em học sinh. Giáo viên dạy trẻ là những người được tham gia tập huấn về phương pháp, kỹ năng chăm sóc và nuôi giữ trẻ vùng lũ. Đội ngũ tham gia giữ trẻ đều hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các gia đình cho con đến các điểm giữ trẻ. Vì vậy, dù chỉ nhận được ít tiền hỗ trợ nhưng các cô vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc các em nhỏ.

Hàng năm, cứ đến mùa lũ, tỷ lệ trẻ chết ngạt tăng cao vì sự lơ là, thiếu người trông coi các em nhỏ là những nguyên nhân chính
Hàng năm, cứ đến mùa lũ, tỷ lệ trẻ chết ngạt tăng cao vì sự lơ là, thiếu người trông coi các em nhỏ là những nguyên nhân chính

Bà Trần Thị Thu Vân (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Mỗi buổi sáng, tôi cùng các cô thức rất sớm để quét dọn, lau chùi, sau đó đúng 6h30 là mở cửa đón các em. Nước lên mỗi ngày một cao nên tôi tham gia giữ trẻ để cha, mẹ các cháu đi làm thuận tiện. Phụ huynh nào đi làm sớm, tăng ca thì buổi sáng mình cũng nhận tiếp cho các cháu ăn sáng để họ đi làm kịp giờ. Từ ngày có chỗ giữ trẻ không có em nào bị đuối nước và bà con ở vùng ngập lũ rất mừng”.

Chị Phan Thị Thúy (ngụ ấp Vĩnh Hòa) dẫn đứa con 6 tuổi đến điểm giữ trẻ, cho biết: “Gia đình không đất vườn, nhà là hộ nghèo nên quanh năm chỉ làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Mùa nước nổi là dễ kiếm tiền nhất nên phải tranh thủ từng ngày. Nhờ có điểm giữ trẻ này mà hàng chục gia đình trong ấp an tâm đi làm ăn”.

Vì thế, từ nhiều năm qua, tỉnh An Giang, Đồng Tháp tích cực tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, vừa đảm bảo an toàn cho các em nhỏ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các phụ huynh sống nghề câu lưới an tâm lao động
Vì thế, từ nhiều năm qua, tỉnh An Giang, Đồng Tháp tích cực tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, vừa đảm bảo an toàn cho các em nhỏ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các phụ huynh sống nghề câu lưới an tâm lao động

Ông Lê Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: “Năm nay, lũ về sớm mực nước không ngừng dâng cao. Do vậy địa phương đã có kế hoạch bố trí 35 điểm giữ trẻ thuộc 14 xã, thị trấn với hơn 1.000 em. Hiện đã tổ chức 4 điểm giữ trẻ ở xã Phú Hữu và Vĩnh Hội Đông với 150 cháu. Mặt khác, chính quyền địa phương còn tổ chức 30 điểm cứu hộ trên địa bàn huyện để khi người dân gặp nạn kịp thời ứng cứu”.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 8/2018, địa phương xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước ở các huyện: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Thanh Bình… Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong mùa nước nổi, phòng ngừa đuối nước xảy ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, tránh đuối nước trẻ em.

Theo thống kê, đến nay địa phương này đã thành lập hàng chục nhóm giữ trẻ cộng đồng, tập trung ở các huyện Tam Nông, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Trong đó địa phương có số điểm nhiều nhất là huyện Hồng Ngự, với 7 nhóm tập trung ở các xã biên giới như: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Tiền và các xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B… Mỗi điểm có từ 15 em nhỏ trở lên và bố trí 2 cô giáo.

Nguyễn Hành