Mệt mỏi nghe cô "mắng vốn", bố mẹ đẩy con lớp 1 đi học thêm

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghẹn ngào, nổi giận, thậm chí có hành vi bạo lực với con học lớp 1, hay có nhiều phụ huynh chọn cách... đẩy con vào lớp học thêm khi cô chê bai con.

Ám ảnh nghe cô mắng vốn

Sau nhiều lần mắng mỏ, nổi điên với con, anh N.V.Q., có con vừa vào lớp 1 ở TPHCM đã quyết định tìm gia sư bên ngoài về kèm chữ tại nhà cho con.

Mệt mỏi nghe cô mắng vốn, bố mẹ đẩy con lớp 1 đi học thêm - 1

Nhiều phụ huynh đẩy con đến lớp học thêm xuất phát từ lời... mắng vốn của giáo viên (Ảnh minh họa) 

Hôm nào mẹ đón thì cô chê với mẹ, bố đón thì phàn nàn với bố, rồi gửi tin nhắn riêng, nhắc nhở trong nhóm chat đủ lời là con không tập trung, hiếu động, viết chậm, viết không đúng, thua các bạn...

Tâm trạng háo hức đưa đón con đi học của ngày đầu đã chuyển sang sự ái ngại, vợ chồng anh toàn tìm cách đùn đẩy cho nhau. 

Anh Q. cũng nói rõ, giáo viên dạy con anh không dạy thêm. Anh tìm gia sư bên ngoài về kèm chữ cho con mong con tiến bộ hơn để cô bớt phàn nàn chứ thế này anh chịu không nổi. 

"Nghe cô chê bai con, tôi mệt mỏi, căng thẳng trong người. Thậm chí, ảnh hưởng đến cả công việc, gia đình".

Nỗi ám ảnh đối với hầu hết mọi phụ huynh là nghe cô "mắng vốn" về con. Kể cả những phụ huynh, con còn nhỏ chưa đi học cũng đã lo lắng, con thế này, con thế kia kiểu gì cũng nghe cô chê bai. 

Nhiều phụ huynh đẩy trẻ đi học chữ trước, đến lớp học thêm... chưa hẳn vì mục đích để tốt cho con mà lại xuất phát từ nỗi lo cô giáo chê bai, cằn nhằn.

Trên thực tế, có trường hợp phụ huynh cho con theo học thêm với chính cô giáo trên lớp chỉ với một mong mỏi duy nhất: Con không bị chê trách, phán xét, bố mẹ ít phải nghe lời phàn nàn. Có những trường hợp, cách thức này lại có... hiệu quả. 

Những lời nhận xét, nhất là những lời nặng tính chê bai, tiêu cực rồi kết luận về trẻ như lười học, nghịch ngợm, thua bạn, không theo kịp chương trình, khó lên lớp... từng giáo viên tạo hiệu ứng áp lực rất lớn với tinh thần phụ huynh không khác nào một liều thuốc độc. 

Tỉnh táo trước những lời khen chê

Từng là một giáo viên tiểu học, bà Thu Hà, tác giả cuốn sách giáo dục "Buông tay để con bay" bày tỏ lời chê có thể quật ngã hoàn toàn một người to cao khỏe mạnh, có thể điểu khiển một người rất giỏi rớt không phanh.

Theo bà Hà, giáo viên rất nhiều áp lực, nhất là giáo viên lớp 1 vào đầu năm học sĩ số đông, học sinh chưa nề nếp... Lúc này, chính bố mẹ cần vững tâm, chờ, để lớp đi vào ổn định. 

Mệt mỏi nghe cô mắng vốn, bố mẹ đẩy con lớp 1 đi học thêm - 2

Phụ huynh cần bình tĩnh trước những lời khen chê của giáo viên (Ảnh minh họa)

Bà Hà chia sẻ 3 liều "vắc xin" lời chê dành cho phụ huynh:  Đừng quá hoảng hốt với xếp loại đầu năm, nhiều giáo viên gắt gao vì để học sinh không chủ quan; Làm quen với khen chê, điều mà bất cứ ai cũng gặp trong cuộc sống và bố mẹ cần xác định tâm lý con mình có quyền bình thường, có khi sẽ gặp lời chê, uất ức, hiểu lầm, bị đánh giá sai... 

"Khi cần, chỉ còn cách đóng lời chê trong một cái khung nhỏ nhỏ, biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có rồi tập bước qua", bà Hà bộc bạch và cho rằng, sự bình tĩnh của bố mẹ trước mọi lời khen chê quyết định thái độ, niềm tin, thậm chí là cả hạnh phúc, thành công sau này của con. Quan trọng hơn cả việc viết chữ và làm toán. 

Chị Trần Thị Thu, ở Bình Thạnh, TPHCM kể, thay vì đánh mắng con như trước, chị đã tập được cách, mỗi khi nghe cô chê con, chị hít thở một hơi thật sâu. Chị ôm con thật chặt để mình bình tĩnh, sau đó hai mẹ con sẽ đi dạo, đọc sách hay ngồi trò chuyện để nguôi bớt cơn giận. 

"Khi bình tĩnh, tôi sẽ cân nhắc thấy lời chê nào của cô mang tính góp mình, trao đổi để con khác phục. Còn lời nào mang tính chủ quan của cô thì mình bỏ qua", chị nói và kể, nhờ cách này mà hai năm nay chị không đánh con vì nghe cô chê. 

Tuy nhiên, theo một nhà giáo dục tại TPHCM, việc phụ huynh ứng phó tiêu cực lên trẻ hay rèn khả năng chịu đựng trước lời chê của cô giáo chỉ giải quyết phần ngọn. 

Ngoài chê học sinh như một thói quen, có giáo viên chê vì thiếu kiên nhẫn, nóng vội, mong phụ huynh kèm con sát hơn và cũng có người chê là để "kéo" học sinh đến lớp học thêm. 

Như vậy, mục đích, động cơ và hậu quả của những lời chê bai này suy cho cùng đều không tốt. Những cách phụ huynh đang chọn, không khác nào đang tiếp tục "nuôi dưỡng" thái độ này ở giáo viên. 

Điều này cần một giải pháp tận gốc chính là đạo đức, lương tâm và kỹ năng sư phạm của nhà giáo cũng như các quy định trong ngành.