Những vụ sách thiếu nhi khiến người lớn “choáng váng”

(Dân trí) - Thạch Sanh được mẹ nhường cho cái khố duy nhất và chém Trăn tinh óc phọt chết tươi, Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây, danh tướng Việt được minh họa như “game” Tam Quốc, truyện cổ tích có chứa nội dung 18+…là những chi tiết lạ trong sách, truyện thiếu nhi khiến người lớn không khỏi "choáng váng"!

Truyện cổ tích chứa nội dung 18+, nhuốm màu bạo lực…

Những ngày này, nhiều phụ huynh sửng sốt khi phát hiện chi tiết lạ trong câu truyện cổ tích Thạch Sanh được in trong tập Truyện cổ tích Việt Nam gồm những tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng tái bản 10/2014.

Truyện cổ tích Thạch Sanh trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam đang gây tranh cãi với chi tiết lạ

Truyện cổ tích Thạch Sanh trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam đang gây tranh cãi với chi tiết lạ

Ở trang 40, có chi tiết khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi cái khố duy nhất nhường cho con để con không phải ở truồng. Độc giả cho rằng đây là một chi tiết lạ, hơn thế việc mô tả mẹ con Thạch Sanh nhường quần cho nhau là “không đúng mực”.

Độc giả cũng phản ứng những đoạn văn miêu tả nhuốm màu bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm hồn con trẻ như đoạn miêu tả Thạch Sanh giết Trăn tinh: “Thạch Sanh vung búa đánh nhau với trăn tinh suốt một ngày một đêm không phân thắng bại. Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”

Trước đó, gây ồn ào không kém cuốn Truyện cổ tích Việt Nam này là cuốn Truyện Cổ tích về các loài chim& muông thú do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành có chứa nội dung nhạy cảm, thiếu lành mạnh đối với đối tượng thiếu nhi.

Cuốn

Cuốn Truyện cổ tích về các loài chim& muông thú có đoạn: "Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại....", (câu chuyện Lêđa và con thiên nga).

Khi báo chí vào cuộc tìm hiểu thì được biết, thực chất nội dung “người lớn” trong Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú là một đoạn trong Thần thoại Hy Lạp nổi tiếng do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn.

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng khi tái bản cuốn sách này, cần phải ghi rõ đối tượng phục vụ. Vì cách kể chuyện cũng như ngôn ngữ tác giả sử dụng trong đoạn truyện dễ gợi ra những liên tưởng không lành mạnh, tác động tiêu cực tới tâm hồn trẻ thơ.

Danh tướng Việt như “game” Tam Quốc, Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm?

Không chỉ truyện cổ tích bị “thêm mắm thêm muối”, cách đây ít ngày, dư luận cũng ồn ào với nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chi tiết Thánh Gióng đánh giặc xong, ăn cơm rồi nhảy xuống… Hồ Tây tắm trong một bài học sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm).

Cụ thể trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: “Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?”

“Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết.”

Cuốn

Đoạn văn viết về Thánh Gióng khác với chuyện cổ tích khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, đưa ra ý kiến trái chiều trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5

Chi tiết lạ về nhân vật truyền thuyết này khiến nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên hết sức băn khoăn. Trong khi ở cuối trang sách hay cuốn sách không có bất cứ chú giải nào.

Ngoài sách giáo khoa, trong cuốn Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Đức Thông đồng chủ biên) do NXB Văn hóa- Thông tin đã xuất bản cũng rất cẩu thả trong việc minh họa các nhân vật.

Khán giả không khỏi bật cười khi Lê Hoàn mặc trang phục như trong Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu. Lý Thường Kiệt râu tóc dài thượt. Bùi Thị Xuân thướt tha như thiếu nữ trong truyện tranh của Nhật Bản. Nhiều bức hình còn theo hơi hướng manga như: bức vẽ Tây Sơn Ngũ phụng thư gồm Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung…

Cuốn

Tây Sơn ngũ phụng thư gồm các nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung được minh họa bằng tranh vẽ theo phong cách manga

“Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” gây sốc

Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả; Bồ bịch là bạn bè thân thích; Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào, thơ ngây là ngây thơ, nắn bóp: nắn và bóp, cào cấu: vừa cào vừa cấu, tù trưởng là người đứng đầu trông coi tội nhân, Tao đàn là chỗ nằm của tao nhân thi sĩ… là các định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất ấn hành khiến độc giả vô cùng bức xúc.

Dư luận cho rằng với định nghĩa ngô nghê, nhiều sai sót như thế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của lứa tuổi các em học sinh.

Bìa sách Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh
Bìa sách "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh"

******

Chia sẻ với phóng viên về sự thêm thắt có tác động tiêu cực trong các dị bản truyện cổ tích, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng “ Việc thêm thắt biến tướng này là không thể chấp nhận. Và mỗi gia đình hãy tự bảo vệ thế giới trong sáng nhân bản của con cháu mình trước những sản phẩm độc hại về tinh thần ngày càng phát triển, biến tướng không ngừng tiếp cận các con dưới mọi hình thức”.

Trước tình trạng sách, truyện, từ điển chất lượng kém, có nội dung sai lệch, phản cảm… vẫn liên tục bị phát hiện trong thời gian gần đây, tại buổi tọa đàm Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên vừa diễn ra tại TPHCM đầu năm 2015, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (phụ trách khu vực phía Nam) chỉ rõ rằng: trên thực tế, những loại sách in ấn cẩu thả, nhiều lỗi thường lặp đi lặp lại bởi một số dạng tác giả, cũng như nhóm biên soạn ở một số NXB, đơn vị liên kết làm sách yếu kém.

Theo ông Lê Hoàng, việc để lọt những cuốn sách nhiều sai sót là do  năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý, BTV trong các NXB yếu kém và tắc trách. Điều này dẫn đến quy trình xuất bản, thủ tục pháp lý bị buông lỏng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập tại các NXB, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản từng khẳng định sắp tới sẽ cấp thẻ hành nghề cho đội ngũ biên tập tại các NXB. Ngoài việc bổ sung hình phạt cao hơn đối với các trường hợp vi phạm, Cục có thể xem xét không tiếp tục cấp thẻ hành nghề cho những người thực hiện cuốn sách…

Liên quan đến việc tái bản truyện cổ tích, có ý kiến cho rằng, truyện cổ tích (thuộc văn học dân gian) có quyền được thêm thắt, có quyền có các dị bản khác nhau. Theo bạn:
Dị bản phải tôn trọng sự trong sáng của thế giới trẻ thơ
Đã là dị bản sẽ không thể kiểm soát được nội dung
Dị bản sao cũng được, độc giả nhỏ tuổi sẽ tự biết chắt lọc nội dung
Ý kiến khác
  

Nguyễn Hằng

Dòng sự kiện: Sách thiếu nhi gây sốc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm