Năm học 2013 - 2014:
Mạnh tay với lạm thu, đủ chỗ học cho “heo vàng”
(Dân trí) -Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên? Giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu? Có đủ chỗ học cho học sinh lớp 1? Tại sao bỏ chấm điểm học sinh lớp 1?... Đó là các vấn đề nóng được đặt ra cho Bộ GD-ĐT tại cuộc họp báo năm học mới chiều 28/8.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2289/Heo-vang-vao-lop-1.htm'><b> >> “Heo vàng” vào lớp 1</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-2304/Khong-cho-diem-voi-hoc-sinh-lop-1.htm'><b> >> Không cho điểm với học sinh lớp 1</b></a>
Phát hiện lạm thu, phụ huynh báo cáo ngay
Trả lời câu hỏi của báo chí về giải quyết thế nào tình trạng lạm thu đầu năm, ông Lê Khánh Tuấn, Vụ phó Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay, tỷ lệ chi ngân sách cho đào tạo là 20% tổng chi ngân sách. Về khách quan, gặp rất nhiều khó khăn, bởi hiện chỉ có 17/63 tỉnh, thành đảm bảo được nguồn chi ngân sách. Các cơ sở giáo dục phải thực hành tiết kiệm, sắp xếp chi tiêu”.
Ông Tuấn cho hay, giải quyết tình trạng lạm thu, Bộ GD-ĐT xây dựng các văn bản pháp lý để quản lý việc thu trong trường học, hiện các văn bản pháp lý đã tương đối đầy đủ. Quan trọng phải đảm bảo 3 công khai để phụ huynh học sinh, xã hội kiểm soát được tình hình thu trong trường học. Từ đầu năm đến nay, Bộ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đến các Sở GD-ĐT. Bên cạnh đó, UBND các cấp phải có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý kịp thời.
“Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thanh tra để hành lang pháp lý ban hành phải được thực hiện đúng, kiên quyết cùng địa phương xử lý hiện tượng thu không đúng quy định. Phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội liên quan cũng cần tham gia phát hiện để thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý để kiểm soát, xử lý” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT khẳng định: "Heo vàng" năm nay đủ chỗ học.
“Heo vàng” đủ chỗ học
Vấn đề tuyển sinh lớp 1 đã làm “nóng” buổi họp báo. Câu hỏi với lãnh đạo Bộ: Trẻ sinh năm “heo vàng” vào lớp 1 năm nay tăng đột biến, nhất là ở các thành phố lớn. Điều này khiến nhiều trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng. Lãnh đạo Bộ có giải pháp gì để tránh cho HS lớp 1 thiếu chỗ học trong năm học mới?
Giải đáp vấn đề này, bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc số trẻ đến trường tăng mạnh vào năm nay đã được dự báo từ nhiều năm trước, vì thế, các địa phương đều đã chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất chuẩn bị chỗ học cho các em. Hiện nay, các thành phố lớn không có học sinh nào không có chỗ học. Thực tế sĩ số có thể đông hơn so với quy định.
Đối với việc không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, bà Thắm cho hay, công văn của Bộ đã nói rõ tại sao không cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Tâm lý của phụ huynh không hiểu. Tất cả các trường mầm non, tiểu học thực hiện đúng chỉ thị này, thì học sinh khi vào lớp 1 là như nhau. Học chữ trước sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, sự chủ quan của trẻ vào lớp 1.
Nhiều ý kiến cho rằng trẻ học chữ trước bởi vì chương trình lớp 1 nặng, bà Thắm cho rằng hiểu như vậy không đúng vì nhiều nơi kể cả học sinh dân tộc thiểu số, không học trước ngày nào cuối cùng vẫn học bình thường.
Trước vấn đề “học sinh thi vào lớp 1 phải “chọi” như thi đại học, bà Thắm khẳng định: “Bộ không có chỉ đạo thi tuyển vào lớp 1. Hiện nay, có một số trường tiểu học ở thành phố lớn tổ chức khảo sát đầu vào cho học sinh là kiểm tra một số chỉ số chứ không thi kiến thức, thi chữ”.
Đối với quy định không chấm điểm học sinh lớp 1 mà Bộ vừa ban hành, bà Thắm cho biết, quy định này nhằm động viên, khuyến khích ghi nhận sự tiến bộ của học sinh. Lâu nay chúng ta quá quen với việc chấm điểm, phụ huynh thấy con được 9-10 điểm thì khen, 7-8 điểm thì chê trách, gây áp lực cho học sinh. Hướng dẫn của Bộ là đổi mới đánh giá nhưng không có nghĩa là không theo dõi học sinh. Trong quá trình dạy vẫn phải theo dõi đánh giá thường xuyên về nhiều yếu tố, năng lực, phẩm chất của học sinh chứ không chỉ có điểm số. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chốt lại vấn đề: “Quản lý lạm thu, dạy thêm học thêm, dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1… những việc này là của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Nhiệm vụ chính của Bộ GD-ĐT là ra các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp có vi phạm, từ báo chí hoặc nguồn thông tin nào đến Bộ, Bộ luôn sẵn sàng trao đổi với địa phương”.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trả lời báo chí về tình trạng thiếu giáo viên.
Thừa - thiếu giáo viên: Triệt khai quyết liệt quy hoạch nhân lực ngành
Trả lời phóng viên câu hỏi về việc "cả nước thiếu hơn 27.000 như Bộ GD-ĐT đã thông báo, trong khi đó tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc ngày càng nhiều. Vậy, giáo viên thiếu ở những tỉnh nào, môn học nào? Và hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên này?", Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Hoàng Đức Minh cho biết, đây là một thực trạng đã diễn ra nhiều năm, nhưng so với năm trước nay đã giảm nhiều. Việc vừa thừa vừa thiếu giáo viên do quy hoạch nhân lực ngành của các địa phương chưa hợp lý. Tình trạng thiếu giáo viên tập trung ở vùng khó. Một số thành phố lớn cũng thiếu giáo viê như TP.HCM, năm học trước thiếu 2.500 giáo viên nay đã tuyển được và chỉ thiếu khoảng 1.200 giáo viên, các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang… mỗi tỉnh thiếu khoảng 1000 giáo viên.
Thiếu giáo viên phát sinh chủ yếu từ việc triển khai Đề án phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, triển khai Đề án ngoại ngữ đến năm 2020, tăng dạy học 2 buổi trên ngày… nhu cầu giáo viên tăng lên. Còn về vấn đề thừa giáo viên ở một số vùng do giáo viên được đào tạo nhiều theo những môn đã có đủ, đặc biệt ở vùng đô thị, thành phố.
Để khắc phục thực trạng này, hai năm nay, ngành giáo dục cùng các địa phương đã triển khai quyết liệt quy hoạch nhân lực của ngành, tiếp tục điều chỉnh đào tạo ở các trường sư phạm gắn với nhu cầu. Thực hiện tốt đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn và các đánh giá khác. Đồng thời, thực hiện thu hút giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tuyển giáo viên có hộ khẩu thường trú… Bên cạnh đó, Bộ đang thực hiện đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành cũng như dự báo nhân lực của ngành trong triển khai quy hoạch để thực hiện gắn kết đào tạo với sử dụng tốt hơn.
Học sinh vùng khó được nhận 15kg gạo/tháng
Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Phương cho biết, bắt đầu từ ngày 1/9/2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng. Đây là nội dung tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 36/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Mỗi học sinh được hưởng mức hỗ trợ gạo nói trên không quá 9 tháng/năm học.
Cũng từ 1/9, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ cho phí ăn ở trong quá trình học tập. Theo đó, các đối tượng có đủ điều kiện được hỗ trợ 9 tháng/năm học; mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Với các em phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung.
Hồng Hạnh