Góc khuất học trò nghèo

(Dân trí) - Những tờ vé số quyết định bữa cơm em no hay đói; bộ đồng phục mặc nhiều năm liền chật căng lộ đường may đi may lại chằng chịt, nhịn ăn tới trường… Niềm vui bước vào năm học liệu có thể che hết những góc khuất về tình cảnh của học trò nghèo?

Hết giờ học chiều ngày 3/9, khi hầu hết bạn bè trở về với gia đình tìm một chỗ vui chơi sau ngày học căng thẳng, ăn tối, học bài thì cậu học trò M.L, học sinh (HS) Trường tiểu học Lưu Hữu Phước, Q.8, TPHCM) đến đại lý nhận vé số. Vẫn bộ đồng phục ấy, L. len lỏi khắp mọi ngả đường, quán nhậu bán từng vé số cho đến đêm khuya.

Sau giờ học, em M. L sẽ tất bật đi bán vé số mưu sinh.
Sau giờ học, em M. L sẽ tất bật đi bán vé số mưu sinh.

L. sống cùng mẹ và bà ngoại già yếu, em được mẹ “luyện” đi bán vé từ nhỏ bởi mình chị không thể cáng đáng nổi cho cuộc sống của ba người.

L. không phải là học trò duy nhất ở ngôi trường này ngày đến trường, đêm bán vé số mưu sinh. Địa bàn dân cư nghèo, phức tạp, nhiều em có hoàn cảnh éo le như cha mẹ mất, tù tội hoặc ly dị, các em sống nhờ người quen nên phải bươn chải, ra đời rất sớm.

Có em đêm bán vé số không hết, mang theo trong cặp sách đến trường để rồi trưa hôm sau, hết giờ học các em lặn lội giữa nắng đi mời khách rồi quay lại lớp học. Nhiều hôm trời nắng nóng, thầy cô phải giữ lại không cho các em ra khỏi trường nhưng giữ mãi sao được khi “không bán vé số với em đồng nghĩa hôm đó không có cơm ăn”.

Đầu năm học, đến một trường tiểu học ở Q.5, chứng kiến nhiều em học trò đang bước vào tuổi phát triển khoác lên mình bộ đồng phục cũ chật căng, gây khó cho các em trong việc chạy nhảy mà chúng tôi không khỏi mủi lòng. Có những em ba năm liền không thay đồ mới, quần áo cũ lộ hết những đường chỉ may tay chằng chịt… mà theo nhà trường, nhiều phụ huynh không lo nổi vài chục nghìn sắm cho con bộ đồ mới.

Tại một trường tiểu học được mệnh danh là “trường con nhà nghèo” ở Gò Vấp, có hai chị em nhà từ Hóc Môn đến trường bằng xem buýt mỗi ngày chung nhau 10.000 đồng cho cả tiền ăn sáng lẫn ăn trưa. Món "khoái khẩu" của hai chị em là bỏng ngô món này mua được nhiều, uống thêm nước là các em no căn bụng.

Có lần, cô chị làm rơi chiếc dép trong lúc trèo lên xe buýt. Tối đến, hai mẹ con đạp xem cả chục cây số quay lại cổng trường kiếm chiếc dép đã rách tả tơi được bà bán nước gom vàosọt rác. Cầm chiếc dép, người mẹ nghẹn ngào bởi chị không có nổi 20.000 đồng đổi dép mới cho con. Chuyện người mẹ kiếm lại chiếc dép cũ trở thành câu chuyện được nhiều thầy cô trong trường kể lại để nói về cái nghèo của học trò.

Sau giờ học, em M. L sẽ tất bật đi bán vé số mưu sinh.
Học trò nghèo tại TPHCM trong một chương trình trao học bổng tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TPHCM).

Để có thể đến trường, trong khi mẹ đang đối mặt với căn bệnh ung thư, lâu nay em P.L. - HS Trường THPT Lương Thế Vinh thường xuyên ăn cơm với nước mắm hoặc nhịn đói tới trường. Với em, khi chưa phải dừng việc học vẫn còn may mắn, cho dù em chưa biết làm thế nào để vượt qua thời gian trước mắt.

Hy vọng rằng cái nghèo sẽ là động lực và cũng là sự rẽn giũa giúp các em cố gắng, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Tuy vậy vẫn cần lắm phong trào nuôi heo đất, phát động giúp đỡ bạn nghèo tại các trường học, tổ chức. Và điều cần thiết nhất, mong sao nhà trường đừng bỏ rơi học trò nghèo khi đưa ra các quy định, chủ trương, chính sách trong việc thu chi đầu năm học.

Bởi biết đâu có những góc khuất - về cảnh mưu sinh, đến trường với chiếc bụng rỗng và cả nguy cơ bỏ phải dang dở việc học - của học trò mà chúng ta chưa thấy hết được…

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Năm học mới 2013 - 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm