Nghệ An:

Lễ khai giảng... “trắng” giáo viên

(Dân trí) - Bức xúc trước việc xã chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường lẻ lên trường chính, đồng loạt bà con nhân dân làng Văn Hà, xã Quang Sơn, Đô Lương (Nghệ An) đưa con đến điểm trường lẻ dự lễ khai giảng mặc cho cửa đóng im ỉm và không có giáo viên.

56 học sinh tiểu học “bơ vơ” trong lễ khai giảng

Người dân làng Văn Hà đưa con đến điểm trường lẻ khai giảng sáng 5/9. (Ảnh: Doãn Hòa)
Người dân làng Văn Hà đưa con đến điểm trường lẻ khai giảng sáng 5/9. (Ảnh: Doãn Hòa)

Sáng 5/9, trong không khí nô nức của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, phụ huynh của 56 học sinh tiểu học ở các xóm 8, 9, 10 làng Văn Hà, xã Quang Sơn, Đô Lương (Nghệ An) đưa con đến điểm trường lẻ để dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014. Giữa một khoảng sân rộng được đặt một chiếc bàn với bình hoa tươi, hàng chục học sinh mặc quần áo tinh tươm cười nói vui vẻ. Thế nhưng, khác hẳn với lễ khai giảng đang được diễn ra trang trọng ở trường chính của xã thì lễ khai giảng ở đây chỉ có… phụ huynh!

Nhiều người dân cho biết, đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ ngày tựu trường (12/8) đến ngày lễ khai giảng nhưng 56/64 học sinh tiểu học điểm trường lẻ này vẫn chưa được đến trường. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc phụ huynh có con học tại điểm lẻ kiên quyết phản đối chuyển lên địa điểm chính.

Người dân làng Văn Hà đưa con đến điểm trường lẻ khai giảng sáng 5/9. (Ảnh: Doãn Hòa)
Phụ huynh cho rằng, quãng đường các đi học từ làng Văn Hà lên điểm chính xa, đường lại hay bị cô lập do ngập lụt.

Lý giải cho việc tại sao không cho con em chuyển lên trường chính để có điều kiện học hành tốt nhất, nhiều phụ huynh cho rằng, do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa khu vực làng Văn Hà là vùng thường hay ngập lụt cục bộ nên các cháu không thể tự đến trường. Còn các phụ huynh hiện tại đang có con theo học lớp 1, 2, 3 đều là những lao động trẻ, lao động chính, mùa màng bận rộn phải lo làm ăn để kiếm sống nuôi gia đình, không có thời gian đưa đi đón về ngày hai buổi vì trường không có chế độ ở nội trú.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (33 tuổi, xóm 10) có con là cháu Trần Thị Như Lai năm nay bước vào lớp 1, cho hay: “Con tôi mới vào lớp 1, không thể một ngày 8 lần đưa con đến trường vì gia đình làm nông nghiệp không có thời gian đưa. Đoạn đường từ làng lên trường chính cách xa gần 3 km, ghồ ghề đi lại khó khăn và không có một bóng cây che mát nên nếu để các cháu tự đến trường một mình rất nguy hiểm. Hơn nữa, ngôi trường này có từ xa xưa, chúng tôi muốn lưu giữ giá trị văn hóa của cha ông xưa để lại”.

Lễ khai giảng năm học mới cho học sinh do phụ huynh tự tổ chức!
Lễ khai giảng năm học mới cho học sinh do phụ huynh tự tổ chức!

Hầu hết các bậc phụ huynh có con em 3 lớp ở đây cho rằng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nơi đây thu hoạch mùa được mùa mất và kiên quyết không chuyển trường cho con. “Anh Nguyễn Hàm Lục (43 tuổi, xóm 9) có con học lớp 2, cho biết: “Mong muốn của phụ huynh là giữ lại mái trường để con em học tập ở đây, vừa đảm bảo sức khỏe cho các cháu, vừa tiện lợi cho người dân để phục vụ sản xuất. Nếu trường hợp bắt buộc, chúng tôi chỉ còn cách cho các cháu nghỉ học”.

Gần trưa, khi các học sinh dự lễ khai giảng trở về thì gần 60 em học sinh 3 khối lớp ở điểm trường lẻ vẫn đứng nô đùa trong sân. Buổi lễ khai giảng mà các em háo hức mong chờ đã không trọn vẹn vì ngày khai trường vắng thầy cô, không có những chùm bóng bay rực rỡ sắc màu hay đơn giản chỉ được nghe những bài hát ngày tựu trường.

Bao giờ học sinh mới được đi học?

Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng vắng giáo viên. (Ảnh: Doãn Hòa)
Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng vắng giáo viên. (Ảnh: Doãn Hòa)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm trường này nằm giữa khu vực xóm 8 và xóm 9 và đã có từ lâu đời. Hiện nay, trường đã xuống cấp trầm trọng, ngói vỡ khá nhiều, phòng học không được đảm bảo, trang thiết bị không đầy đủ do không được đầu tư xây dựng hàng năm. Năm học 2013-2014, điểm trường có tổng 64 học sinh, trong đó có 21 em lớp 1, 25 em lớp 2 và 18 em lớp 3.

Với mục tiêu đầu tư xây dựng mới lộ trình sẽ đưa trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 trong năm 2013-2014, xã Quang Sơn đã xây dựng 4 phòng học cùng với một số phòng chức năng với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. UBND huyện Đô Lương giao chỉ tiêu, kế hoạch cho trường tiểu học Quang Sơn năm học 2013-2014 là 14 lớp với 399 học sinh. UBND xã Quang Sơn đã thống nhất chuyển 3 lớp học ở làng Vân Hà về trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục cho con em.

Thế nhưng, trước ngày tự trường, ngày 9/8, Trường tiểu học Quang Sơn tổ chức họp phụ huynh ở 3 xóm thì các phụ huynh phản đối gay gắt việc cho con họ chuyển trường. Sáng 24/8, đại diện lãnh đạo của huyện Đô Lương, Phòng GD-ĐT đã tổ chức buổi đối thoại với phụ huynh để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của phụ huynh khi sát nhập điểm trường lẻ.

Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng vắng giáo viên. (Ảnh: Doãn Hòa)
"Hiện tại, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến trường", ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn nói.

Sáng 5/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết: “Theo chủ trương của xã thì việc chuyển trường về một mối để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho học sinh là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết để con mình ở điểm lẻ mặc dù các phòng học ở đây đều đã đóng cửa”.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh tại cuộc tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến của người dân không đồng tình với chủ trương nhưng xã vẫn chưa làm thêm một bước nữa là thăm dò ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là những người có con em đang theo học tại điểm trường lẻ.

Từ những ý kiến của các bậc phụ huynh chúng tôi đã lý giải cụ thể, về việc bị lụt thì không chỉ con em 3 xóm nghỉ học mà tất cả các em đều phải nghỉ học. Lãnh đạo nhà trường sẽ tổ chức học bù cho các em. Về đường sá đi lại khó khăn, tiếp thu ý kiến phụ huynh, vừa rồi chúng tôi đổ 25 triệu đồng tiền đá vây để san lấp, khắc phục nên đường sá đi lại đã cơ bản... Chúng tôi nghĩ vì sự học của con em, trước sau gì người dân cũng sẽ đồng thuận, chứ không lường trước được sự việc diễn biến phức tạp như thế này. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động để phụ huynh đưa con em đến trường”, ông Vĩnh cho hay.

Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng vắng giáo viên. (Ảnh: Doãn Hòa)
Điểm trường chính trường tiểu học xã Quang Sơn. Sau ngày lễ khai giảng, 56 em học sinh vẫn chưa đến trường.

Cô Trần Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Sơn cho rằng: “Việc chuyển lên trường chính là thiết thực, đúng với chủ trương. Trong một môi trường khang trang, các em có điều kiện học tập bình đẳng, vui chơi trong một môi trường chung. Là nhà giáo, chúng tôi mong muốn đem lại cho các em một môi trường học tập tốt nhất, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh để cho con em tới trường học tập”. Cô Tuyết cho biết thêm, thời gian qua, nhà trường cũng cắt cử giáo viên xuống tận nơi để động viên, vận động để các bậc phụ huynh đưa con em đến trường nên hiện tại đã có 9 em (gia đình có điều kiện hơn) đã đến trường học.

Tiếng trống khai giảng đã điểm nhưng ở một số lớp của trường tiểu học Quang Sơn, sĩ số học sinh vẫn chưa ổn định. Bao giờ 56 em học sinh mới được cắp sách đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa? Câu hỏi này chúng tôi xin được nhường lại cho UBND huyện Đô Lương và ngành giáo dục Nghệ An.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Năm học mới 2013 - 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm