Malaysia mạnh tay xử lý học sinh vô kỷ luật
Cảnh sát học đường sẽ được quyền bắt những học sinh trốn học la cà tại các trung tâm giải trí và quán café Internet trong giờ học. Đó là đề xuất của Bộ GD Malaysia về cách xử lý những học sinh cúp cua…
Ngày 23/12/2005, Bộ trưởng GD Malaysia, Seri Hishamuddin Tun Hussein, cho biết, bộ giáo dục (GD) đang tìm cách trao thêm quyền hạn cho giáo viên (GV) và cảnh sát để ngăn chặn những hành động vô kỷ luật của học sinh (HS) lúc ở trường cũng như ngoài trường học. Đặc biệt, chính phủ sẽ tìm cách phối hợp quyền hạn của GV và cảnh sát để ngăn chặn HS trốn học.
Bộ trưởng Hishamuddin nói nếu cần, Bộ GD sẽ đề xuất sửa đổi một số luật. Ông Hishammuddin tiết lộ một trong những luật mà Bộ GD muốn sửa đổi là Đạo luật Cảnh sát và Đạo luật Trẻ em cũng như quy định của hội đồng địa phương về các địa điểm giải trí của HS.
Theo đó, GV Malaysia có thể sẽ được trao thêm quyền hạn để xử lý những HS vi phạm kỷ luật ngoài trường học. Cảnh sát cũng có thể có quyền bắt giữ những HS chuồn khỏi lớp hoặc la cà trong những quán Internet trong giờ học. Các uỷ ban trực thuộc Bộ GD đang bàn bạc vấn đề này.
Hiện nay, luật lệ hiện hành của Malaysia không cho phép cảnh sát được bắt giữ HS trốn học trong khi các nhà quản lý trường học không có quyền được vào các tụ điểm giải trí. Chỉ chính phủ địa phương mới được ra tay xử lý những HS này. Trong khi đó, các quán café Internet lại vi phạm đăng ký kinh doanh khi cho phép HS vào chat hoặc chơi game.
Bộ trưởng GD Hishamuddin vừa chủ trì phiên họp cuối cùng của Uỷ ban Giải quyết Các vấn đề HS Vô kỷ luật. Cuộc họp đã thảo luận khoảng 250 phương án đề nghị của công chúng về cách giải quyết nạn vô kỷ luật ở HS. Đồng thời, Uỷ ban đã vạch ra một số biện pháp để thực hiện cho năm học tới. Theo đó, cha mẹ HS sẽ trở thành thành viên “nhân sự cảnh sát” của Hiệp hội Cha mẹ - GV.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng GD Hishammuddin cho biết, “đội cảnh sát cơ động” của Bộ GD đã đến thăm 1.624 trường tiểu học và THCS để giảm sát tình trạng kỷ luật ở các trường này. Số vụ tội phạm ở HS tăng nhẹ từ 1.367 vụ trong năm 2004 lên 1.460 vụ trong năm 2005, trong đó tội “ăn trộm xe đạp” là tội phổ biến nhất. Còn số vụ HS vi phạm kỷ luật chỉ giảm nhẹ từ mức 2,07% trong năm 2004 xuống mức 1,74% năm nay.
Ông Hishammuddin cho rằng, nên lập một trang web để nhận những lời phàn nàn về HS vô kỷ luật. Điều này sẽ giúp công chúng dễ lên tiếng hơn và Bộ GD cũng dễ giám sát quá trình thực hiện kỷ luật của các trường hơn.
Theo Vũ Minh Thương
Vietnamnet